Dị ứng thức ăn là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch cơ thể với một hoặc nhiều loại chất cấu tạo nên thức ăn (protein, glucid, lipid… được xem như dị nguyên) theo cơ chế kháng nguyên – kháng thể để tạo ra các phản ứng quá mẫn.
Ở lứa tuổi trẻ em chiếm tỉ lệ khoảng 6% nguy cơ dị ứng thức ăn và 3,7% người lớn.Các loại thức ăn hay gây dị ứng ở trẻ em gồm sữa bò (2,5%), trứng (1,3%), lạc (0,8%), lúa mì (0,4%), tôm cua (0,1%)… trong đó tỉ lệ dị ứng lạc đang có xu hướng tăng. Người trưởng thành chủ yếu bị dị ứng với hải sản, hạt cây,… Thực tế, dị ứng với các chất bảo quản, các chất phụ gia trong thức ăn rất ít gặp.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng có thể liên quan đến da, đường tiêu hóa, hệ tim mạch và đường hô hấp, nổi sẩn phù, ban đỏ, ngứa nhiều trên da. Nhiều người sẽ có các biểu hiện nôn mửa hoặc đau dạ dày, khó thở, thở khò khè, thở rít, hàn tiếng, khó nuốt, thù lưỡi gây khó nói, khó thở. Bên cạnh đó, người bị dị ứng thức ăn còn có thể có các biểu hiện như da nhợt nhạt, lạnh, chóng mặt hoặc đau đầu nhiều, sốc phản vệ (suy tuần hoàn, hô hấp …)
Hầu hết các triệu chứng liên quan đến thức ăn xảy ra trong vòng hai giờ sau ăn, và thường bắt đầu trong vòng vài phút. Trong một số trường hợp rất hiếm, các phản ứng có thể bị trì hoãn từ bốn đến sáu giờ hoặc lâu hơn ví dụ như bệnh viêm da cơ địa dị ứng ở trẻ em.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh lần đầu tiên tiếp xúc với những loại thức ăn này hoặc mới tập ăn dặm. Các triệu chứng của FPIES là nôn nhiều, đi phân lỏng có hoặc không kèm nhày máu và có thể dẫn đến mất nước. Vì các triệu chứng giống với các triệu chứng của bệnh đường ruột do vi rút hoặc vi khuẩn, nên việc chẩn đoán FPIES có thể chậm trễ. FPIES là một trường hợp cấp cứu y tế.
Theo lời khuyên của các bác sĩ Bệnh viện 199 (TP Đà Nẵng), nếu nghi ngờ bị dị ứng thức ăn, việc đầu tiên bạn cần ngưng dùng ngay loại thức ăn đó và đến gặp bác sĩ chuyên khoa Dị ứng – người sẽ khai thác các thông tin về tiền sử dị ứng và cho phép chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và điều trị. Khi tới gặp bác sĩ bạn cần cung cấp đủ thông tin về những loại thức ăn bạn nghi ngờ bị dị ứng, bao gồm cụ thể những loại thực phẩm nào, cách chế biến, có sử dụng cùng rượu hay không? Thời gian sau ăn khởi phát triệu chứng đầu tiên, các triệu chứng diễn ra như thế nào, trong thời gian bao lâu?
Nếu bạn đã có tiền sử dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, bạn luôn cần ghi nhớ nó và các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng chéo với nó. Khi đi mua thức ăn đóng gói, bạn luôn cần đọc kỹ thành phần thực phẩm, để chú ý xem trong hỗn hợp các thành phần bao gồm cả chất phụ gia và hương liệu mình có nguy cơ bị dị ứng hay không. Bạn cũng cần cẩn thận hơn khi ăn ở nhà hàng. Luôn hỏi nhân viên phục vụ về các thành phần trong món ăn rõ ràng và chi tiết để hạn chế rủi ro. Đôi khi chỉ cần bạn bước vào nhà hàng và hít phải hương liệu từ một loại thực phẩm bạn đã từng bị dị ứng cũng gây khó chịu cho bạn.
Một số trường hợp khó khăn, bạn hoàn toàn có thể tham vấn trực tiếp các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng. Bạn có thể cần bác sĩ chuyên khoa Dị ứng kê đơn về nhà thậm chí phải nhập viện điều trị nếu các triệu chứng đe dọa tính mạng như nguy cơ xuất hiện phản vệ độ 2 trở lên. Với trường hợp sốc phản vệ - phản vệ độ 3, adrenalin là thuốc đầu tay, kháng histamine và glucocorticoid được cân nhắc dùng phối hợp để bổ trợ.
Ở Mỹ, khi gia đình có trẻ được chẩn đoán dị ứng thức ăn, bác sĩ sẽ kê cho mang về nhà bút tiêm tự động adrenalin, bố mẹ có thể xử trí nhanh chóng những tình huống bất ngờ một cách chủ động, kịp thời trước khi đưa bé đến bệnh viện.
Hiện nay với những trẻ bị dị ứng với lạc, nguy cơ dị ứng rất cao và thường xuyên tái diễn vì lạc có trong thành phần rất nhiều sản phẩm đóng hộp và các món ăn tại cửa hàng, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu để trẻ có thể ăn được lạc mà không bị dị ứng.