(BVPL) - Từ ngữ smartphone chắc hẳn không xa lạ gì với mọi người trong thời buổi hiện nay. Những chiếc điện thoại thông minh dần dần phổ biến hơn và giá cả cũng “mềm” hơn rất nhiều nên số lượng người sử dụng ngày càng đông.
 


Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, ngày nay, đi ra đường không sợ bị lạc vì đã có bản đồ, có thể ghi lại mọi khoảnh khắc bởi camera chụp hình đẹp mê ly, hay làm việc ở bất kỳ nơi đâu chỉ cần có sóng điện thoại là có thể email trao đổi công việc một cách dễ dàng. Chính xác là chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích lớn lao mà thiết bị thông minh đã mang lại trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh cái “đáng yêu” thì smartphone cũng có những cái “đáng ghét”.

Công bằng mà nói tự bản thân smartphone không hề đáng ghét, chúng đẹp và là sự đam mê, thú vui của mỗi người. Nguyên nhân của cái “yêu, ghét” đến từ chính các thói quen sử dụng chưa đúng của người dùng.
 

 Nghe điện thoại làm ảnh hưởng người khác, hay lạm dụng làm các thiết bị ghi hình là những lý do khiến smartphone dễ bị…ghét (Ảnh: Tường Châu).
Nghe điện thoại làm ảnh hưởng người khác, hay lạm dụng làm các thiết bị ghi hình là những lý do khiến smartphone dễ bị…ghét (Ảnh: Tường Châu).


Các bạn có để ý, bây giờ nếu ở những chương trình biểu diễn nghệ thuật, từ trên sân khấu nhìn xuống chỉ thấy toàn là điện thoại, các thiết bị ghi hình… Vì hành động đó, đôi khi làm người nghệ sĩ bị phân tâm và chính khán giả lại không được tận hưởng những phút giây “thật nhất” từ những chương trình hay. Họ quá bị lệ thuộc vào thiết bị công nghệ.

Tâm lý chung của mọi người là quay để về nhà xem lại, nhưng sự thật thì có mấy ai về nhà coi đi, coi lại. Mà muốn thưởng thức những thước video đẹp nhất, chúng ta chỉ cần vào internet gõ lệnh tìm kiếm là có ngay thôi, chất lượng lại đẹp nữa. Bởi những phóng viên hay chính đơn vị tổ chức sẽ không bỏ qua cơ hội truyền tải thông tin và họ có các thiết bị chuyên dụng, kỹ thuật cao hơn hẳn chiếc smartphone.

Với nạn cướp giật tràn lan, khi mà những hình phạt chưa đủ răn đe bọn tội phạm thì bản thân chúng ta nên tự vệ thì hơn. Cứ sau những thời điểm như Giáng sinh hay Năm mới thì không phải ai về nhà cũng toàn vẹn tài sản. Người dùng quá vô tư giơ chiếc smartphone ra ngay giữa đường, hoặc đang ngồi trên xe máy và đó là những thời điểm “cực đẹp” cho các tay đạo chích.

Ngày nay, điện thoại như một món trang sức, nó thể hiện đẳng cấp của người dùng. Nhưng có một số thói quen của người dùng mà khiến những chiếc smartphone đáng yêu trở thành đáng ghét. Ở những môi trường như công sở, trường học, bệnh viện, rạp hát… đang im lặng thì bỗng nhạc chuông to đùng xuất hiện liên hồi. Người ta còn vô tư rút ra sử dụng liên tục mà không đổi qua chế độ yên lặng.

Những vật vô tri vô giác dù có “thông minh” đến mấy cũng chỉ là vật. Bởi vậy, người sử dụng nó nên biết cân bằng giữa sở thích cá nhân và cộng đồng xung quanh để những tuyệt tác công nghệ không bị ghét oan nữa.
 

Như Thảo

.