(BVPL) - Tình hình thời tiết mưa lớn và nắng nóng thất thường trong những ngày qua khiến cho số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, say nắng, cảm sốt, rôm sảy…tăng cao.
 
Hình minh họa. Nguồn: Internet.
Hình minh họa. Nguồn: Internet.
 
Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho 60 - 70 trẻ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhi mắc các bệnh về đường tiêu hóa, say nắng, cảm sốt, rôm sảy…
 
Dự báo, số lượng bệnh nhi nhập viện có thể gia tăng trước diễn biến thời tiết như hiện nay. Các bậc phụ huynh cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho con em mình bằng cách bổ sung vitamin, dưỡng chất, cung cấp đủ lượng nước cho trẻ hàng ngày và tuyệt đối không cho chơi đùa ngoài trời quá lâu.
 
 Rửa tay trước vào sau khi ăn, đi vệ sinh và sau khi chơi thể thao là một cách phòng tránh các bệnh do vi trùng hiệu quả. Nguồn: Internet.
Rửa tay trước vào sau khi ăn, đi vệ sinh và sau khi chơi thể thao là một cách phòng tránh các bệnh do vi trùng hiệu quả. Nguồn: Internet.
 
Một số cách phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè:
 
Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính
 
Triệu chứng thường gặp ở trẻ là sốt, ho, chảy mũi nước, khàn giọng. Nặng hơn nữa trẻ sẽ chảy mủ tai ( viêm tai giữa ), thở nhanh, thở khò khè là những biểu hiện của viêm phổi nặng.
 
Cách phòng tránh:  Khi trời nắng nóng, bố mẹ trẻ cần hạn chế hoặc không cho trẻ ra ngoài.Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ đang chơi hoặc nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng nhưng phải thoáng mát. Cần cho trẻ uống nhiều nước, cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
 
Tiêu chảy cấp
 
Khởi đẩu trẻ có thể nôn mữa nhiều lần, sau đó trẻ đi tiêu phân lỏng tóe nước nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Nếu có máu trong phân thì trẻ bị hội chứng lỵ. Điều quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy là phải cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ ăn cháo thịt, tránh tình trạng kiêng khem quá mức làm cho trẻ dễ bị mất nước và suy dinh dưỡng.Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.
 
Cách phòng tránh: Bố mẹ cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, rữa tay, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiêm chủng đầy đủ…
 
Bệnh thủy đậu
 
Thủy đậu (hay còn gọi  trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng mắc nhiều nhất ở trẻ em. Khi trẻ bị thủy đậu sẽ các biểu hiện: sốt nhẹ, nhức đầu, nổi hồng ban, sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục… Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Cha mẹ cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
 
Cách phòng tránh: Tốt nhất nên cho trẻ chích ngừa vắc xin phòng thuỷ đậu, tránh tiếp xúc với trẻ mắc thủy đậu, bổ sung vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
 
Bệnh sốt xuất huyết
 
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết là trẻ sốt cao liên tục trong 3-5 ngày, da xung huyết, chảy máu mũi hay răng lợi, nặng hơn trẻ sẽ đi cầu hay nôn ra máu, tay chân lạnh, đau bụng. Khi có các biểu hiện nặng cần cho trẻ nhập viện để cấp cứu kịp thời.
 
Cách phòng tránh: Biện pháp phòng tránh tốt nhất là diệt loăn quăng và bọ gậy, tránh cho trẻ bị muỗi đốt bằng cách nằm màn khi ngủ.
 
Bệnh ngoài da
 
Rôm sảy là bệnh ngoài da rất thường gặp vào mùa hè, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán, cổ, ngực, lưng...
 
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Chỉ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ.
 
Cách phòng tránh: Để phòng bệnh cho trẻ, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, lau khô da sau đó rắc một lớp phấn rôm thật mỏng, cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn mát.
 
Thùy Hương (t/h)
.