Được dự báo là năm thời tiết diễn biến phức tạp nên nguy cơ mất an toàn lao động mùa mưa 2015 khá cao. Đặc biệt là đối với lao động ngoài trời như: công trường xây dựng, công trường khai thác đá, giàn khoan dầu khí, đánh bắt hải sản…
Nỗi lo mất an toàn
Hàng năm, vào mùa mưa số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra đối với người lao động (NLĐ) làm việc trên biển, nhất là những lao động làm việc trên các tàu đánh bắt hải sản gia tăng. Do ảnh hưởng của thời tiết nên có nhiều vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng khi NLĐ làm việc trong điều kiện sóng to gió lớn khiến tàu cá bị đánh chìm hoặc NLĐ bị té ngã.
Vụ TNLĐ xảy ra hồi tháng 8-2014 vẫn khiến ông Trần Quốc Khải (60 tuổi), huyện Long Điền chưa hết bàng hoàng. Ông Khải cho biết, trong tích tắc nếu không được cứu chữa kịp thời thì ông đã không giữ được tính mạng. Ông Khải kể: “Chiều hôm đó, tàu đang ở vùng biển cách Hòn Bà (huyện Côn Đảo) khoảng 40 hải lý thì gặp mưa to. Tàu bị sóng đánh liên tục, tôi bị trượt chân ngã và bàn tay phải bị dập nát, máu chảy nhiều. Ngay sau tai nạn, tôi được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Quân dân y huyện Côn Đảo rồi được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Đến giờ, sau 1 năm nghĩ lại tôi vẫn còn thấy sợ”. Cũng theo ông Khải, tai nạn trên biển thường rất khó lường. Có nhiều người đi biển lâu năm, có kinh nghiệm nhưng cũng không thể chủ quan. Vì thế, những thuyền viên như ông chỉ biết thường xuyên nhắc nhở nhau khi đi biển, nhất là vào mùa mưa bão phải thường xuyên nghe tin tức thời tiết để phòng tai nạn. Trong mùa mưa bão năm nay, đã ghi nhận không ít trường hợp TNLĐ trên biển, khiến nhiều người mất tích và tử vong, trong đó có cả ngư dân BR-VT. Có những vụ TNLĐ xảy ra trên biển do thời tiết xấu nên ảnh hưởng đến cả công tác cứu hộ, cứu nạn, như vụ TNLĐ xảy ra trên tàu cá BV0360TS của ông Bạch Lứa vào ngày 22-6-2015 vừa qua khiến thuyền viên Phạm Văn Tèo tử vong. Thuyền viên Nguyễn Vinh, khi ứng cứu đã bị trượt té gãy chân do sóng to, gió lớn. Cũng do sóng to, gió lớn nên việc đưa nạn nhân cấp cứu ở giàn khoan Lan Tây cũng rất khó khăn.
Theo các cơ quan chức năng, ngoài TNLĐ trên biển, những vụ TNLĐ xảy ra vào mùa mưa thường xảy ra với các công nhân làm việc trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Đại diện Sở LĐTBXH cho biết, vào mùa mưa, tác động của thời tiết đã gây ảnh hưởng lớn đến điều kiện làm việc của NLĐ, nhất là lực lượng lao động làm việc ngoài trời. Hơn nữa, nhiều đơn vị vẫn còn lơ là, xem nhẹ việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ.
Sẽ tăng cường thanh, kiểm tra
Báo cáo của Sở LĐTBXH cho biết, năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 385 vụ TNLĐ, làm 398 người bị thương và 10 người tử vong. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, BR-VT xảy ra 78 vụ TNLĐ.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Chính sách lao động việc làm, Sở LĐTBXH, với diễn biến phức tạp từ thời tiết, nguy cơ mất ATLĐ trong mùa mưa năm nay có nguy cơ gia tăng nếu các đơn vị, địa phương và NLĐ không chủ động phòng ngừa. Về phía Sở LĐTBXH, Sở đã xây dựng kế hoạch đôn đốc kiểm tra, nhất là triển khai kế hoạch an toàn tại đơn vị, cũng như việc sử dụng các thiết bị lao động, ý thức chấp hành kỷ luật, nội quy an toàn... của DN và NLĐ. Theo Thanh tra Sở LĐTBXH, trong quá trình thanh tra đối với các đơn vị làm việc ngoài trời như: công trường, các nhà cao tầng, có yếu tố tác động của thời tiết, đơn vị luôn nhắc nhở thực hiện các biện pháp an toàn như: công nhân phải trang bị thiết bị bảo hộ lao động, nhất là dây an toàn; phải có giàn giáo, lan can, cầu thang để công nhân đi lại; vào thời điểm mưa to; gió lớn, không được để NLĐ làm việc...
“Bên cạnh một số đơn vị làm tốt thì hiện vẫn còn rất nhiều đơn vị xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn, thực hiện chưa nghiêm túc quy định về ATVSLĐ. Từ nay đến cuối năm, Sở LĐTBXH sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra về thực hiện ATVSLĐ. Trong đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng buộc DN tuân thủ các quy định an toàn, nhất là công trình xây dựng dân sinh sử dụng thiết bị nâng, cẩu có tầm với ra ngoài”, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu