Qua điều tra của Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, ngày 8/10 sau khi mua tiết lợn của một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã Thụy Dân để đánh tiết canh ăn trưa, đến chiều cùng ngày, 4 người cùng ăn tại một gia đình có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Đến sáng ngày 9/10, có 3 người phải nhập viện điều trị, 1 trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà.

Trong 3 người phải đi viện cấp cứu, bà Bùi Thị N. (SN 1954), trú thôn An Dân, xã Thụy Dân đã tử vong với chẩn đoán ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn, 2 trường hợp còn lại đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

leftcenterrightdel
 Xuất huyết dưới da từng mảng là biểu hiện của liên cầu lợn.

Ngoài ra, cùng sử dụng nguồn tiết lợn tại cơ sở giết mổ còn có 5 người khác, trong đó có 1 người phải nhập viện do rối loạn tiêu hóa, các trường hợp còn lại không có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.

Hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh và đang chờ kết quả.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ở nhiều nơi, một số người dân vẫn có thói quen ăn tiết canh và những món ăn tái sống chưa được chế biến chín, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này là rất cao. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để kịp thời phòng, chống bệnh do liên cầu lợn gây ra.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Người dân phòng bệnh liên cầu lợn bằng cách không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn…

P.V