Giữa một thành phố tối om đầy xác chết và đống đổ nát, mỗi khi những người dân Tacloban nghe thấy tiếng máy bay gầm rít trên đường băng, họ biết rằng hy vọng sống đang đến.
 
 
Người Tacloban chìm trong cảnh đau thương tang tóc nhưng không mất niềm tin. Chị Mikan Santos, sống cách sân bay vài con phố, đang đứng xếp hàng chờ được khám các vết thương, cho biết giờ đây điều duy nhất mà chị và những người cùng cảnh cần là "phải sống".
 
Một người khác cũng trong hàng dài với Santos mô tả: "Thành phố giống như trong World War Z". Đây là tên một tiểu thuyết và bộ phim kinh dị nói về ngày tận diệt của thế giới, khi trái đất bị xâm lăng bởi những thi thể biết đi và ma.
 
"Ở mọi nơi mọi chốn, chúng tôi đều thấy các xác chết", anh này cho biết.
 
Các nhân chứng khác kể lại rằng họ nhìn thấy vô số thi thể trên đường phố, trong các đống đổ nát, trên cành cây. Những người ở gần sân bay thì thoát chết nhờ leo lên các cây cao khi sóng lớn đánh tới sáng 8/11. Nước dâng lên đến trần các phòng trong nhà ga sân bay, nuốt chửng những người tưởng đã tránh được gió bão trong đó.
 
Vợ chồng nhà Isanan chẳng mong gì hơn có thể giữ được bốn đứa con an toàn bên mình. Họ đã vào sân bay để tránh bão từ trước khi Haiyan đổ bộ. Nhưng giờ đây họ chỉ còn một đứa con. Hai vợ chồng Marvin và Loreta khóc bên thi thể hai cô con gái, một đứa nữa còn mất tích. "Tôi thậm chí còn giữ được ít tóc của cháu, đến khi tìm được xác con bé, tóc nó bị cháy khét".
 
Isanan mân mê tấm ảnh gia đình nhỏ bằng bàn tay. "Đây, con bé đang chơi và lè lưỡi trêu tôi khi tôi chụp tấm ảnh này", anh vừa nói vừa khóc.
 
Hy vọng
 
Bất chấp mùi tử thi hiện diện khắp nơi, những niềm hy vọng bắt đầu le lói. Chị Riza Jaro sinh một em bé hôm nay và đặt tên con là "Yoonadale", gần giống với tên cơn bão theo cách người Philippines gọi bão Haiyan. Bà mẹ 18 tuổi được một nhóm binh sĩ đưa đi trên cáng tới sân bay.
 
Trước đó, Jaro đã đi tìm khắp Tacloban nhưng không thấy một bệnh viện nào. Mẹ của cô cho biết các bệnh viện, phòng khám và hiệu thuốc đều đóng cửa hoặc không còn hoạt động được nữa do hậu quả của bão.
 
Và thế là ngay tại sân bay ngập bùn, các y tá của quân đội đặt cáng của Jaro lên một đống giấy còn dính đầy đất, giúp cô bình tĩnh trở lại. Sau đó, Jaro được đưa lên máy bay C-130 tới thành phố Cebu để sinh con. 
 
Theo VnExpress /  Inquirer