Người già Nhật Bản chăm sóc lẫn nhau
Cập nhật lúc 17:01, Thứ năm, 27/07/2017 (GMT+7)
Tại một trường tiểu học nay đã chuyển thành nhà dưỡng lão Cross Hearts ở Thủ đô Tokyo, cụ Tasaka Keichi luôn cười cười nói nói với một nhóm phụ nữ cao tuổi. Dù đã ở tuổi 70 nhưng cụ Tasaka lại không nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm. Thay vào đó, người từng là thợ sản xuất đậu hũ này đang là nhân viên chăm sóc người già tại đây. (người già, người cao tuổi, dân số già)
Tại một trường tiểu học nay đã chuyển thành nhà dưỡng lão Cross Hearts ở Thủ đô Tokyo, cụ Tasaka Keichi luôn cười cười nói nói với một nhóm phụ nữ cao tuổi. Dù đã ở tuổi 70 nhưng cụ Tasaka lại không nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm. Thay vào đó, người từng là thợ sản xuất đậu hũ này đang là nhân viên chăm sóc người già tại đây.
"Tôi luôn cảm thấy thích thú trong việc chăm sóc người cao tuổi. Những người về hưu ở Nhật đa phần không nhận được lương hưu nhiều nên tôi thật sự biết ơn những người đã tạo cho tôi việc làm này. Tôi cũng đã già nên tôi có thể hiểu những gì mà những người cao tuổi ở đây đang trải qua. Tôi thực sự cảm thấy như tôi đang chơi với họ chứ không phải đến đây để chăm sóc họ" – cụ Tasaka phát biểu với CNN.
Nhật Bản hiện được xem là một quốc gia "siêu già", nơi có hơn 20% dân số trên 65 tuổi trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm nhanh trong khi số lượng người cao tuổi ngày một gia tăng. Để đối phó với tình trạng thiếu lao động và với hy vọng tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích người cao niên và những người nội trợ tham gia vào lực lượng lao động của đất nước. Trong đó, cụ Tasaka là người tiên phong cho lực lượng này. Trong vòng 5 năm qua, cụ đã đảm trách việc đưa rước người cao tuổi tại Cross Hearts, chăm lo miếng ăn và đồng hành cùng nhiều người cao tuổi khác tại đây.
Cụ Tasaka chỉ là một trong số hàng chục nhân viên trên 65 tuổi đang làm việc tại Cross Hearts. Seiko Adachi, Giám đốc điều hành của Cross Hearts, cho biết chìa khóa để thu hút nhân viên cao tuổi làm công tác chăm sóc những người cao tuổi khác đó là giúp họ tập trung vào công việc của họ, động viên họ rằng đây là công việc chính thức mà họ thực sự có thể phát triển chứ không phải là một công việc bán thời gian. Được biết, ở những quốc gia khác, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thường do những công nhân ngoại quốc đảm trách nhưng do Nhật Bản thiếu một chính sách nhập cư cụ thể, những người già do đó buộc phải làm công việc này và "nói không" với nghỉ hưu sớm.
Tại Cross Hearts, tuổi nghỉ hưu chính thức của các nhân viên là 70 nhưng nhà dưỡng lão này lại cho phép nhân viên làm việc cho đến 80 tuổi nếu như họ muốn, cao hơn tuổi nghỉ hưu phổ biến ở Nhật Bản là giữa 60 và 65. Mới đây, các chuyên gia nước này đã đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu lên 75.
Theo Trí Văn (Báo Cần Thơ)
.