Khi triển khai xã hội hóa chương trình Methadone, bệnh nhân tại TPHCM có nghĩa vụ phải đóng một phần chi phí điều trị. Đây là tiền đề quan trọng để duy trì các hoạt động cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố khi nguồn viện trợ bị cắt giảm.

 


Tuy nhiên, thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu Methadone phục vụ cho điều trị do các tổ chức Quốc tế và Trung ương cắt giảm kinh phí hỗ trợ cho chương trình điều trị Methadone trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo cho quá trình điều trị của bệnh nhân được liên tục, thành phố đã phải chi thêm 3,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách (nâng tổng kinh phí cho chương trình Methadone lên 10,2 tỷ đồng) cho việc mua thuốc và các chi phí hoạt động của các cơ sở điều trị. Việc chậm triển khai xã hội hóa chương trình Methadone đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng chỉ tiêu điều trị thu dung tại các cơ sở điều trị vì thiếu kinh phí.

Theo kế hoạch triển khai xây dựng các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng và giải pháp mở rộng điều trị Methadone tại TPHCM đến năm 2015, thành phố sẽ thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình Methadone ra tất cả các quận huyện;  phát triển thêm 10 cơ sở điều trị và 15 điểm phát thuốc vệ tinh.  

Trong quý III năm 2014, thành phố sẽ triển khai xã hội hóa chương trình Methadone. Để đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động điều trị, giảm tỷ lệ người nghiện trong cộng đồng, thành phố yêu cầu bệnh nhân có nghĩa vụ phải đóng một phần chi phí điều trị. Thành phố kiến nghị Trung ương hỗ trợ đủ thuốc Methadone trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 để đảm bảo thực hiện đề án “Mở rộng xã hội hóa chương trình Methadone giai đoạn 2014 đến 2016”.
 

Theo Dân trí

.