Những người nghiện game thường thiếu khả năng kiểm soát về hành vi, trong đó có cả việc tự tử, giết người.

 


Theo bác sĩ La Đức Cương, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có rất nhiều người tới viện khám và điều trị tâm thần do nghiện game, nghiện Internet… Đặc biệt, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ có tâm trạng chán ngán, không còn gì để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.

“Nếu giới trẻ cứ say sưa với Pokémon GO chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và vào viện tâm thần điều trị”, bác sĩ Cương nói.

Bác sĩ Cương phân tích, việc “cắm mặt” vào điện thoại, máy tính, vào những giao tiếp ảo làm cho thế giới của nhiều người trẻ thu hẹp lại. Thời gian dành cho thế giới ảo qua màn hình vi tính ngày càng nhiều còn thời gian, giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén đi. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, thì giới trẻ càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo".

Những người nghiện game, Internet thường thiếu khả năng kiểm soát về hành vi. Từ đây có thể dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả việc tự tử, giết người. Người chơi game quá độ và lâu dài cũng có thể bị chính những trò chơi đó ám ảnh không phân biệt được đâu là thật, đâu là game, đưa game ra cuộc sống thật, coi mọi hành động ở cuộc sống thật như trong game.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, với những người nghiện game nói chung và nghiện trò chơi Pokémon GO khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt.

Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để chơi thì mới cảm thấy yên tâm. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).

Bác sĩ Cương khuyến cáo, mọi người phải nhận thức được tác hại của game; phụ huynh phải khuyên giải con trẻ. Việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn – Hà Nội cũng cho rằng, vấn đề tâm lý, sức khỏe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề: “Việc thức đến 1-2h đêm đi ở ngoài đường, dán mắt vào điện thoại sẽ gây căng thẳng, ức chế thần kinh, đó là chưa kể những ảnh hưởng đến mắt. Từ đó, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy nhược và làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc ngày hôm sau, còn đối với học sinh sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”./.
 

Theo VOV

.