Ngày công bố điểm trúng tuyển chính thức vào ĐH-CĐ 2014 đã cận kề, nhiều phụ huynh lo lắng: liệu con em mình có bị áp lực vô hình nào đang đè nén không?

 

- Không phải trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoàn toàn là do học hành thi cử mà thực tế còn có nhiều yếu tố phức tạp liên quan. Có những trường hợp bản thân những đứa trẻ đã mắc bệnh rồi và khi gặp yếu tố nguy cơ thì bệnh mới bột phát. 
 
Các nguyên nhân, hoàn cảnh khiến trẻ thường bị sang chấn tâm lý là khi trẻ gặp phải những vấn đề về gia đình, tình cảm như bố mẹ ly hôn, bố mẹ - người lớn trách mắng, bạn trai/gái đòi chia tay, hay thi rớt đại học... 
 
Nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng đang nổi lên trong nhóm học sinh nói riêng và vị thành niên, thanh niên nói chung như: buồn chán, trầm cảm, có suy nghĩ và dự định tự tử.
 
* Biểu hiện của trẻ khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung và khi trẻ có ý định tự tử như thế nào thưa bác sĩ? Khi trẻ như vậy thì người thân cần làm gì?
 
- Khi gặp biến cố, trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có những biểu hiện khác lạ so với sinh hoạt thường ngày như: thu mình lại, bỏ ăn, bỏ vui chơi, không nghe điện thoại, bỏ chương trình yêu thích, mất ngủ, sức khỏe giảm sút, ánh mắt đờ đẫn, sụt cân, nhức đầu, ngồi thừ ra không nói hoặc nói những câu rất tiêu cực; có những đứa trẻ hoảng loạn, có em bỏ nhà đi, có em thì tự tử.
 
Xác định rõ các yếu tố này giúp chúng ta xây dựng được các giải pháp can thiệp thích hợp để cải thiện vấn đề sức khỏe tâm thần cho các em. Khi trẻ gặp những biến cố, chúng ta nên lưu ý xem phản ứng từ các em như thế nào, để nếu cần thì đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe. 
 
Từ đó, sẽ có những giải pháp như tư vấn, động viên, giải thích cho trẻ hiểu; nâng cao thái độ lạc quan, giảm bớt lo âu cho trẻ. Thậm chí có những trường hợp có thể phải dùng thuốc hỗ trợ. Về lâu dài, gia đình, xã hội cần xây dựng cho trẻ một cuộc sống tinh thần lành mạnh, lạc quan. 
 
Dạy trẻ lối tư duy tích cực, thắng không kiêu, bại không nản, cho trẻ tập luyện thể thao, biết chia sẻ... Chúng ta phải chắp cánh cho những hoài bão ước mơ của trẻ chứ đừng biến nó thành áp lực.
 
Theo PNO