Mới đây, Bộ Y tế đưa ra Dự thảo Đề án giảm quá tải bệnh viện (BV) giai đoạn 2012-2020 trong đó đưa ra chỉ tiêu giảm công suất sử dụng giường bệnh của các BV đang quá tải xuống dưới mức 100%.
Đồng thời tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng nằm ghép, đảm bảo mỗi người bệnh điều trị nội trú được nằm một giường riêng vào năm 2015. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người bệnh.
Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, năm 2011 công suất sử dụng giường bệnh chung của mạng lưới BV là 111%. Ở BV tuyến trung ương tình trạng quá tải ngày càng có xu hướng gia tăng, trầm trọng hơn cả là các BV: K (249%), Bạch Mai (168%), Chợ Rẫy (154%), Phụ sản Trung ương (124%)...; và tập trung ở các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi; ở BV đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh công suất sử dụng giường bệnh chung là 114%.
Nhận thấy quá tải là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ quả như giảm chất lượng khám, chữa, chăm sóc người bệnh; gia tăng chi phí điều trị cho người bệnh; dẫn đến nạn cò BV... nên ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tải. Cụ thể, thời gian qua đã có nhiều chiến lược, dự án được đưa ra như nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến dưới thông qua đề án 1816; phát triển hệ thống BV vệ tinh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, tìng trạng quá tải BV vẫn ngày càng trầm trọng hơn.
|
3 năm nữa người bệnh sẽ được một mình một giường khi điều trị nội trú. Ảnh: Thịnh An |
Từ những thực tế đó, ngành y tế lựa chọn việc xây dựng một đề án có nội dung trọng tâm là giảm quá tải BV trong một chặng đường từ nay đến năm 2020. Mục tiêu được đưa ra tại Dự thảo Đề án giảm quá tải BV cụ thể là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các BV tuyến trung ương và các BV tuyến cuối của Hà Nội, TP HCM hiện đang quá tải. Cùng đó là nâng công suất sử dụng giường bệnh của các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện đang trong tình trạng dưới tải. Tăng số giường BV trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, trong đó ưu tiên 5 chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi.
Giai đoạn 2012-2015 sẽ tập trung đầu tư cho các BV tuyến trung ương và BV tuyến cuối của Hà Nội và TP HCM. Bộ Y tế đặt chỉ tiêu nâng công suất sử dụng giường bệnh của các BV đang quá tải trầm trọng (120% trở lên) xuống dưới mức 100%; cơ bản không còn tình trạng nằm ghép (bảo đảm mỗi người bệnh điều trị nội trú/một giường bệnh) vào năm 2015. Mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/8 giờ làm việc. Còn tại các BV dưới tải thì nâng công suất sử dụng giường bệnh lên mức tối thiểu là 60% vào năm 2015. Kinh phí giai đoạn 2012-2015 là 36.752 tỉ đồng.
Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện đầu tư các BV và mở rộng đầu tư cho các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế đưa ra giải pháp thực hiện như tăng quy mô giường bệnh bằng việc nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng và tăng số giường bệnh cho các chuyên khoa quá tải trầm trọng (tăng tối thiểu tổng 11.350 giường bệnh cho các BV thuộc 5 chuyên khoa đang quá tải ở tuyến trung ương và 2 TP lớn; ở tuyến địa phương, tăng tối thiểu tổng 8.000 giường bệnh cho 5 chuyên khoa thường xuyên quá tải.
Cùng đó là xây dựng và phát triển mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình. Đây là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh; xây dựng và phát triển mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với mạng lưới cơ sở y tế sẵn có để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình-trước mắt thành lập ở Hà Nội, TP HCM và một số TP lớn khác.
Bộ Y tế cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyên môn, chính sách bảo đảm nguồn nhân lực và cơ chế tài chính y tế, thay đổi phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó, điều chỉnh phương thức thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng ưu tiên cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới và khuyến khích người bệnh khám, chữa bệnh tại tuyến dưới, thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ. Khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phương thức thanh toán theo khoán định suất, thanh toán theo nhóm chẩn đoán bệnh. Nghiên cứu sửa đổi quy định được thanh toán 30%, 50%, 70% trong trường hợp tự vượt tuyến khám, chữa bệnh mà không có giới thiệu của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.
Theo Thịnh An
PL&XH