Viêm loét dạ dày, tá tràng là bệnh đường tiêu hóa mạn tính, thường gặp ở nam giới trung niên nhiều hơn phái nữ. Dưới đây là những món ăn thích hợp với người bệnh.

Khoai tây nấu bạch cập

Thành phần: Nước khoai tây 100 ml, vị thuốc bạch cập 100g, một ít mật ong.

Cách chế biến: Bạch cập tán bột; nước khoai tây và bột bạch trộn đều với mật ong, dùng dần.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng một muỗng canh, hai tuần lễ là một liệu trình. Thích hợp dùng cho người bệnh viêm loét dạ dày và viêm loét tá tràng xuất huyết.

Canh bao tử heo nấu tiêu

 

Canh bao tử heo - Ảnh: K.Vy
Canh bao tử heo - Ảnh: K.Vy

Thành phần: 1 bao tử heo, một ít tiêu, 60g đậu phộng, gia vị.

Cách làm: Bao tử heo làm sạch, rồi cho tiêu và đậu phộng vào bao tử heo, thêm nước, hầm với lửa lớn cho đến khi bao tử chín thì nêm nếm gia vị.

Cách dùng: Chia vài lần dùng, có tác dụng dưỡng vị (bồi bổ cho dạ dày), bổ khí.

Canh bao tử heo nấu quýt

Thành phần: Quýt tiều 5 múi, bột trần bì (bột vỏ quýt) 10g, bao tử heo 250g, gia vị, tiêu.

Cách làm: Bao tử heo sau khi rửa sạch, cắt lát dài. Cho bột trần bì, bao tử heo, quýt vào nồi cùng nước nấu với lửa nhỏ cho đến khi canh chín và đặc, nêm nếm gia vị.

Cách dùng: Dùng canh bất cứ lúc nào, có tác dụng thuận khí khai vị, điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trứng gà tam thất

 

Trứng gà
Trứng gà

Thành phần: Củ sen tươi 100g, bột tam thất lượng vừa, trứng gà 1 quả, gia vị.

Cách làm: Củ sen rửa sạch, cho vào máy xay lấy nước, bỏ bã, nước cốt trộn với bột tam thất và trứng gà, dùng lửa nhỏ để nấu, nêm gia vị cho vừa ăn.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 mẻ chia 2 lần dùng, có tác dụng kiện tỳ, dưỡng vị.

Cháo hạt sen

 

Hạt sen

Thành phần: Hạt sen 20g, khiếm thực 30g, gạo 30g, một ít đường trắng.

Cách làm: Hạt sen bỏ tim ngâm trong nước độ 1 giờ đồng hồ, rồi cho hạt sen, khiếm thực và gạo vào nồi cùng nước nấu thành cháo, khuấy đều, thêm đường trắng. Cháo này có tác dụng bổ ích tỳ vị.

Cháo nếp nấu táo đỏ

Thành phần: Táo đỏ 7 quả, nếp lượng vừa, một ít đường trắng.

Cách làm: Táo đỏ cho vào nước sôi nấu trong 10 phút, sau đó cho nếp vào nấu cháo, sau cùng cho thêm ít đường. Cháo này có tác dụng kiện tỳ.

Gà nấu tử lương khương

Thành phần: Một con gà trống, vị thuốc tử lương khương 6g, trần bì (vỏ quýt) 3g, tiêu 3g, gia vị.

Cách làm: Gà trống sau khi làm sạch, bỏ nội tạng, bỏ đầu, bỏ móng, đem hầm lửa nhỏ với các nguyên liệu trên cho đến khi thịt gà mềm, nước sệt lại, nêm nếm gia vị.

Cách dùng: Dùng canh gà này như món ăn, có tác dụng ích khí, dưỡng vị.

 

 

Lương y Bàng Cẩm (TNO)