Ở Việt Nam có khoảng 41,2% nam giới trưởng thành, 1,6% nữ giới trưởng thành, 5,9% thiếu niên nam và 1,2% thiếu niên nữ hút thuốc lá hằng ngày.

 


Tuy tổng số tiền chi cho thuốc lá và để giải quyết hậu quả của thuốc lá rất lớn, nhưng giá để mua 1 sản phẩm thuốc lá lại rất rẻ do thuế áp trên mỗi sản phẩm rất rẻ chỉ chiếm 41% giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng).

Tính ra, loại thuốc lá tầm trung có tính phổ biến nhất của người Việt cũng chỉ có giá chưa đến 1.000 đồng/điếu và được bán lẻ với giá từ 1000 – 2000 đồng/điếu. Nhiều loại thuốc còn rẻ hơn giá này. Chính vì thế, ngay cả những người có thu nhập thấp, thanh thiếu niên cũng dễ dàng tiếp cận và trở thành người nghiện thuốc.

Theo các nhà khoa học, khói thuốc lá không đơn thuần chỉ có 1 kiểu mà chia thành 3 kiểu khác nhau gồm có dòng khói chính, dòng khói phụ và khói thuốc môi trường.

– Dòng khói chính (MS): Là dòng khói đi qua gốc của điều thuốc và được người hút thuốc hít vào.

– Dòng khói phụ (SS): Là dòng khói từ đầu điếu thuốc chảy tỏa vào không khí, không bao gồm phần khói thuốc do người hút thuốc thở ra. Phần khói này chiếm 80% lượng khói của một điếu thuốc.

– Khói thuốc môi trường (ETS): Là hỗn hợp của dòng khói phụ và dòng khói chính cộng với các chất tạp nhiễm khuếch tán qua giấy quấn thuốc lá. Dòng khói môi trường này bao gồm 3.800 loại hóa chất.

Một điều không phải ai cũng biết là dòng khói phụ (SS) lại có nhiều hỗn hợp gây ung thư mạnh hơn dòng khói chính (MS). Nguyên nhân của điều này là do dòng khói phụ bị tạp nhiễm nhiều hơn dòng khói chính.

Chính vì lý do trên, các chuyên gia khuyến nghị, nếu chỉ áp dụng các biện pháp tuyên truyền cảnh báo người dân về tác hại của thuốc lá thôi thì chưa đủ, mà cần phải đẩy mạnh hơn nữa chiến lược quốc gia, có chế tài mạnh mẽ hơn nữa trong xử phạt người dân hút thuốc không đúng nơi quy định, cũng như hạn chế sản xuất và tiêu thụ thuốc lá.

 

Theo Khám phá

.