leftcenterrightdel
Bệnh nhân đang được bác sĩ chăm sóc 

Bệnh nhân T.V.Q, 50 tuổi trú tại quận Cái Răng – Cần Thơ bị TNGT khi đi xe máy. Khi nhập viện, bệnh nhân đã lơ mơ và trụy mạch. Các bác sĩ tại khoa cấp cứu của bệnh viện đã thăm khám và nhận định đây là một trường hợp xuất huyết trong ổ bụng do vỡ lách, gãy xương đòn, gãy xương sườn trái 5,6,7,8.

Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu cầm máu bằng cách cắt toàn bộ lá lách và một phần đuôi tụy; đồng thời, truyền máu hồi sức. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị 24 giờ bệnh trở nặng sốt cao, trụy mạch, có biểu hiện của suy chức năng nhiều cơ quan sinh tồn. Bệnh nhân được chuyển đến BVĐK TW Cần Thơ. Thăm khám lâm sàng và xét nghiệm bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa cơ quan (gan, thận) – hậu phẫu cắt lách và đuôi tuỵ, gãy xương đòn, gãy xương sườn, dập phổi, tiên lượng nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh viện đã hội chẩn nhiều chuyên khoa ngoại, hậu phẫu, thận nhân tạo, và hồi sức cấp cứu nhằm tìm ra một hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu liên tục và tiếp tục các liệu pháp hồi sức.

Sau thời gian lọc máu liên tục 4 ngày, hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết sốt, các dấu hiệu sinh tồn đã ổn định, chức năng gan và thận cải thiện tốt, đã ngừng thuốc vận mạch mặc dù bệnh vẫn còn phải tiếp tục quá trình cai máy thở.

Theo TS. BS. Hà Tấn Đức, phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc của BVĐK TW Cần Thơ, trước đây, phương pháp "thẩm tách máu ngắt quãng truyền thống" hay còn gọi là chạy thận nhân tạo trong hồi sức cấp cứu thường gây nên rối loạn huyết động cho bệnh nhân đang bệnh nặng trong hồi sức cấp cứu và chống độc. Hơn nữa biện pháp truyền thống này không giúp lọc bỏ khỏi máu một cách hiệu quả một số “chất độc” gắn với protein. Ngoài ra, phương pháp chạy thận nhân tạo còn khó áp dụng đối với các bệnh nhân có huyết áp thấp hoặc không ổn định, suy tim, suy gan…

Trong khi đó, lọc máu liên tục (hay còn gọi là liệu pháp thay thế thận liên tục), là phương thức điều trị nhằm lọc ra khỏi máu các chất độc (nội sinh hoặc ngoại sinh), dịch và điện giải… một cách liên tục và chậm rãi, dành cho các bệnh nhân có huyết động không ổn định. Cho đến nay, kỹ thuật này đã mở rộng phạm vi áp dụng sang các trường hợp: suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy gan cấp, suy tim kháng trị, viêm tụy cấp, ngộ độc nặng…

Rất nhiều người bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng… nhập viện trong lằn ranh giữa sinh và tử đã được cứu sống nhờ lọc máu liên tục - kỹ thuật được coi là cứu cánh của bệnh nhân đang ở tình trạng nguy kịch.

PV