"Dấu hiệu này cho thấy bệnh đã lan đến F3, mô hình đường lây, tính chất lây trở nên mới", ông Khuê nói, trưa 11/2.
Theo ông Khuê, tại Việt Nam số ca nhiễm nCoV hiện đã đủ loại hình, từ người cao tuổi với nhiều bệnh nền, đến nam nữ thanh niên, giờ có cả bệnh nhi. Ngành y tế cũng có thêm thông tin mới về vấn đề dịch tễ của virus corona chủng mới, mô hình lây từ F1 sang F2, từ F2 sang F3.
Ông Khuê cho biết hiện chưa rõ khi lây truyền sang thế hệ F3 thì độc lực của virus có giảm so với F1, F2 hay không. "Chưa thể kết luận được điều này, bởi mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ", ông nói.
|
|
Khu cách ly bệnh nhân nghi nhiễm vCoV ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Tất Định. |
Bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng có nhận định như vậy.
"Phải dựa trên tình trạng lâm sàng của cháu bé để biết được diễn biến bệnh", ông Điển nói. Bác sĩ phán đoán cháu bé bị lây khi tiếp xúc với các giọt bắn nước bọt từ bà ngoại, người dương tính với nCoV.
Rút kinh nghiệm từ ca này, bác sĩ Điển khuyến cáo: "Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người thân nên giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ để hạn chế nguy cơ lây bệnh".
Bé đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Mẹ của bé cũng được cách ly cùng để có thể chăm sóc con. Trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đã có đầy đủ hướng dẫn chăm sóc điều trị bệnh nhân nghi nhiễm/nhiễm.
"Chúng tôi sẽ cử chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp đến Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên hỗ trợ điều trị cho bé. Nếu bé có những diễn biến nặng, bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn sẽ chuyển tuyến tren. Tuy nhiên hiện nay mọi thứ vẫn bình thường", ông Khuê nói.
Cũng theo ông Khuê, hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân ở Việt Nam "hoàn toàn hợp lý", đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng virus corona mới. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
"Thực tế Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Tam Đảo đang điều trị cho các bệnh nhân, sức khỏe tiến triển rất tốt. Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền phức tạp, cũng có kết quả khả quan", ông Khuê đánh giá.
Trung Quốc và nhiều nước, có khoảng 10-20% bệnh nhân nặng. Do đó Bộ Y tế Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng số giường bệnh, máy thở oxy, thở máy... cho người bệnh nặng.
Ở miền Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối, ngoài điều trị ca nặng, trước mắt sẽ là nơi tiếp nhận các ca dương tính. Những trường hợp có bệnh cảnh lâm sàng nhẹ hơn như tại Vĩnh Phúc được theo dõi tại tuyến huyện.
Bộ Y tế thống nhất không giữ bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai, bởi hàng ngày nơi đây đã tiếp nhận, khám, điều trị cho tới 4.000 bệnh nhân, cùng gấp đôi lượng người nhà thăm nom, chăm sóc.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chuẩn bị 20-40 giường để đón những bệnh nhân rất nặng. Các bệnh viện chuyên khoa khác cũng chuẩn bị 20-40 giường cấp cứu điều trị ban đầu.
"Người dân cần hết sức bình tĩnh cùng nhau phát hiện sớm ca bệnh, cách ly sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa tử vong", ông Khuê nhấn mạnh.