(BVPL) - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tỷ suất chết đuối ở trẻ em Việt Nam là 22,6%, chỉ sau tai nạn giao thông (22,7%) và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Cứ khoảng 1 trường hợp tử vong do chết đuối, thì có 2 trường hợp suýt chết đuối. Như vậy, đuối nước (ĐN) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Bởi vậy, phòng chống ĐN cho trẻ em hiện nay là một việc làm cần thiết và cấp bách.

 


Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi khi mùa lũ đến, nỗi lo trẻ em chết đuối luôn là vấn đề được quan tâm, bức xúc của nhiều bậc cha mẹ. Theo thống kê, nguy cơ trẻ bị tai nạn ĐN trong mùa lũ thường cao gấp 2 - 3,5 lần so với các mùa khác. Hầu như năm nào, số trẻ em chết đuối ở vùng sông nước Nam bộ cũng ở con số từ 100 trở lên. Phần lớn những trường hợp trẻ rơi xuống nước chết đuối là do người lớn bất cẩn, để trẻ dễ dàng tiếp xúc với nước lũ trên sông, ao hồ đang dâng cao.

Xã hội hóa công tác phòng, chống

Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) và được biết, trước thực trạng ĐN trẻ em gia tăng, nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của các địa phương trong việc hạn chế tai nạn ĐN ở trẻ em, hàng năm vào mỗi dịp hè, Cục đã có công văn gửi về các Sở LĐ-TB&XH đề nghị triển khai các hoạt động phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em (trong đó có ĐN). Tháng 4/2012, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị Phòng chống ĐN ở trẻ em giai đoạn 2012-2015. Dưới sự chứng kiến của Tổ chức UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và 9 Bộ, ngành gồm: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), Bộ Công an, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông - Vận tải, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân đã ký cam kết phòng chống ĐN cho trẻ em.

Tại TP. Hà Nội, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới… tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện cam kết và thực hiện Kế hoạch liên tịch phòng, chống ĐN trẻ em theo từng giai đoạn. Kết quả là trong năm qua, các Bộ, ngành đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn và lồng ghép trong các hoạt động của ngành, tuyên truyền về công tác phòng, chống ĐN cho trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH đã phát động chiến dịch truyền thông và phối hợp với các ban ngành xây dựng Kế hoạch liên ngành phòng chống ĐN trẻ em trên 63 tỉnh, thành phố. Bộ GD&ĐT cũng triển khai xây dựng trường học an toàn và trường mẫu giáo an toàn phòng chống TNTT, dạy bơi thí điểm cho một số trường học ở 10 tỉnh, thành phố; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động phong trào tuần lễ dạy bơi cho trẻ em trên toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long... Tháng 6/2013, UB An toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát đường thuỷ, Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành chức năng đã phát động chiến dịch “Vì sự an toàn của trẻ em trên sông nước” tại Hà Nội, nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng và gia đình trong phòng chống ĐN trẻ em. Chiến dịch đã có sức lan toả mạnh mẽ đến mọi miền trên cả nước. Đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch liên tịch phòng, chống ĐN trẻ em, gần 200 xã đạt cộng đồng an toàn, hơn 500 nghìn hộ cam kết xây dựng ngôi nhà an toàn…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hữu, mặc dù có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội cũng như của cộng đồng... nhưng hiện nay, ĐN ở trẻ em vẫn chưa có chiều hướng giảm. Chính vì vậy, cần tiếp tục thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông phòng chống ĐN mạnh mẽ hơn nữa đến tất cả mọi người mà chủ yếu là các bậc cha, mẹ. Mặt khác, cần tăng cường công tác dạy bơi, học bơi và các kỹ năng an toàn cũng như cứu đuối nước cho trẻ em nhất là trong trường học. Các trường cần làm tốt công tác xã hội hoá để huy động sự đóng góp của các bậc cha mẹ và các tổ chức xã hội trong việc bố trí bể bơi lắp ghép di động trong nhà trường để dạy bơi cho học sinh...
 

Thuỳ Dương

.