Suốt một tháng sau khi sinh, chị Anh Ngọc (Lĩnh Nam, Hà Nội) được mẹ chồng cho ăn đúng hai món, thịt nạc rang nghệ và rau ngót. 
 
 
Bác sĩ Đặng Thu Thủy, khoa Phụ sản, Bệnh viện Công an 198 cho biết, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về việc kiêng cữ trong thời gian hậu sản, tuy nhiên nhìn chung cả bác sĩ đông và tây y đều khuyên phụ nữ sau sinh không cần kiêng cữ quá nhiều vì sẽ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe, làm giảm chất lượng dinh dưỡng của sữa mẹ. 
 
Thịt nạc, rau ngót là những thực phẩm tốt cho phụ nữ sau sinh. Nhưng việc ăn đơn thuần hai món ăn này là quan điểm không đúng. Việc phối loại thực phẩm làm đa dạng chế độ ăn sẽ giúp khích lệ các bà mẹ trong việc ăn uống bổ sung dưỡng chất phục hồi sức khỏe trong thời gian hậu sản và cho con bú. Mẹ nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, cá trứng , hải sản, thịt đỏ, các loại đậu... những thực phẩm giàu sắt, kẽm, can xi, vitamin nhóm B.
 
Bác sĩ Thủy cũng cho biết, quan niệm kiêng tắm gội trong một thời gian dài cũng không đúng, vì vệ sinh cơ thể sau sinh đặc biệt cần thiết để tránh viêm nhiễm và giúp máu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên trong 2 ngày đầu, sản phụ chỉ nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch và lau cơ thể bằng nước ấm, những ngày sau có thể tắm bằng nước ấm trong phòng kín, tắm nhanh và tuyệt đối không được ngâm mình vào nước. Khi gội đầu không nên chà xát mạnh mà chỉ massage nhẹ nhàng bằng các đầu ngón tay giúp máu lưu thông tốt hơn.
 
Việc xem tivi, dùng điện thoại, đọc sách, xỏ kim đều không cần quá kiêng cữ, tuy nhiên không nên xem TV lâu, đọc chữ nhỏ, không đủ ánh sáng, sẽ gây căng thẳng cho mắt cũng như hệ thần kinh. Do vậy, cũng nên hạn chế trong tháng đầu. Về việc vệ sinh răng miệng, theo bác sĩ Thủy, khoảng 6 tuần đầu sản phụ vẫn nên đánh răng nhưng lưu ý sử dụng nước ấm và bàn chải răng mềm cũng như chỉ nha khoa. Việc dùng nước lạnh, bàn chải cứng hay xỉa răng sẽ gây chảy máu và ê buốt vì thời điểm này lợi vẫn còn nhạy cảm.  
 
Phụ nữ sau sinh cũng không nên lao động nặng hay ngồi xổm quá sớm làm tăng áp lực đè xuống vùng bụng dưới và sàn chậu gây sa sinh dục, nên tránh ngồi xổm ít nhất 4 - 6 tuần sau sinh. Tuy nhiên, không cần kiêng đi lại trong nhà, ngoài sân hoặc làm các việc nhẹ nhàng. Sản phụ cũng nên thường xuyên tập thể dục, việc kiêng cữ nằm một chỗ quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, vì sản dịch không chảy ra được hoặc dễ bị viêm tắc tĩnh mạch. Trường hợp quá mệt mỏi, có thể xoa bóp tay, chân, bụng, lưng và tập cơ tầng sinh môn.
 
Vào mùa đông việc giữ ấm cho sản phụ là cần thiết, do vậy mặc quần áo dài tay và đi tất là rất quan trọng. Nhưng khi thời tiết nóng nực nên giữ cho cơ thể thoáng mát, trong nhà có thể mặc áo cộc tay và không cần đi tất, nhưng cũng không nên ngồi trước quạt mạnh hay điều hòa nhiệt độ quá thấp vì thời điểm này sức đề kháng của người mẹ còn yếu. Việc bịt bông tai cũng là một cách để sản phụ giảm tiếp xúc với gió lùa và tiếng động mạnh gây căng thẳng, stress. Tuy nhiên cũng không cần thiết nếu ở chỗ yên tĩnh và kín gió.
 
Theo bác sĩ Thủy, việc kiêng sinh hoạt vợ chồng thời gian đầu sau sinh là đúng, tuy nhiên không nhất thiết phải kéo dài đến 3 tháng 10 ngày. Thời gian này người mẹ thường có biến động lớn về mặt giải phẫu và sinh lý, một số do thay đổi hoóc môn ảnh hưởng đến cảm xúc. Vì vậy, người chồng lúc này đóng vai trò quan trọng và nên gần gũi chăm sóc vợ, tỏ ra cảm thông, chia sẻ. Do đó, nếu phải kiêng tiếp xúc với chồng trong thời gian này sẽ càng gia tăng gánh nặng tâm lý cho người vợ. 
 
Với phụ nữ đẻ thường, sức khoẻ ổn định có thể quan hệ bình thường sau 6 tuần. Lúc này tử cung, cổ tử cung và âm đạo có thể đã phục hồi về hình thể cũng như tính đàn hồi, vết khâu tầng sinh môn có thể liền sẹo. Trong trường hợp mổ đẻ, do không tác động tới âm đạo, không bị chấn thương cục bộ nên không gây ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục.  Tuy nhiên, những người sinh mổ phải trải qua giai đoạn phục hồi, giúp vết mổ lên da non và cổ tử cung trở lại trạng thái bình thường, vì vậy để đảm bảo an toàn, người mẹ có thể quan hệ 4 tuần sau sinh. 
 
Theo VnExpress