Hầu hết mầm bệnh xuất phát từ thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm cho thấy tác hại tức thì của mất VSATTP nhưng ngoài ra thực phẩm bẩn còn là mầm bệnh ủ sẵn trong người đợi ngày phát tán. Đây cũng là nguyên nhân gây ung thư, vô sinh, đại tràng, các bệnh đường tiêu hóa... mà không phải một sớm một chiều người bệnh phát giác. Vậy nên VSATTP là yếu tố cốt lõi để bảo vệ sức khỏe. Muốn có sức khỏe tốt thì điều kiện cần thiết là phải sống trong môi trường không có thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên, đây là bài toán không hề đơn giản, VSATTP là gánh nặng mà người dân đặt lên vai Chính phủ. Trong những năm gần đây, khi đời sống nâng cao, kinh tế phát triển vượt bậc thì nhu cầu bảo vệ sức khỏe lại càng khiến xã hội đặc biệt quan tâm. Trước những con số thống kê nêu trên, chúng ta có thể nhìn nhận rất khách quan về thực trạng mất VSATTP đang diễn ra ở nước ta.

Theo kết quả công bố từ Tổng cục Thống kê thì chỉ riêng trong tháng 1/2018 có tới 145 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Trước đó, năm 2017, số người ngộ độc thực phẩm là 3.689 người; số người chết do ngộ độc tăng gấp đôi so với 2016. Nhìn từ con số cũng đã thấy rất rõ đây mối lo rất lớn của người dân đối với thực phẩm mất an toàn.

Từ tình hình thực tế đồng thời cũng là thực hiện kế hoạch, phương án của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành Trung ương về VSATTP trên cơ sở Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được kiện toàn theo Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Với đội ngũ lãnh đạo cấp cao phối kết hợp chặt chẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Trưởng ban trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo. Cùng với đội ngũ Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế (thường trực); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ngoài ra, các thành viên trong BCĐ bao gồm: Thứ trưởng Bộ Y tế (thường trực) và thứ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

BCĐ liên ngành Trung ương về VSATTP là tổ chức tham mưu, giúp việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Những cán bộ trong BCĐ sẽ thực hiện nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp trong công tác bảo đảm ATTP. Như vậy, sau khi kiện toàn và đi vào hoạt động BCĐ sẽ là lực lượng chính lên phương án, định hướng chỉ đạo trong công tác đảm bảo VSATTP.

BCĐ liên ngành Trung ương về VSATTP sẽ thực hiện đề xuất, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý trong trường hợp công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên diện rộng. Không chỉ có vậy, các thành viên trong BCĐ sẽ phối hợp hoạt động trực tiếp tới từng địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Điều này sẽ khiến cho công tác chỉ đạo được chính xác, thực tiễn và sát với thực tế nhất. Song song với đó, BCĐ cũng sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (nguồn: atv.com)

Việc thành lập Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch về công tác ATTP cũng do BCĐ trực tiếp phân công; mời lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đại diện cơ quan, tổ chức khác liên quan tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo; yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Y tế, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo theo quy định.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ rõ ràng mạch lạch như trên đã phản ánh cơ cấu tổ chức chỉ đạo quản lý về vấn đề VSATTP. Đây là một công việc quan trọng có khả năng chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công tác này. Vì vậy, chúng ta kỳ vọng vào một sự thay đổi tương xứng với sự quan tâm, tâm sức của bộ máy quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quỳnh My