Cần nới rộng phạm vi để xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi "chung sống như vợ chồng" mới xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Gần đây, xảy ra một số vụ án liên quan đến ngoại tình. Hậu quả của những vụ án này… để lại những hệ lụy đau lòng cho gia đình và xã hội. Pháp luật đã có chế tài xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn có những khoảng cách giữa luật pháp và thực tế cuộc sống cần phải được lấp đầy nhằm tạo căn cứ pháp luật, xử lý những hành vi phá hoại tổ ấm gia đình.
 
Một vụ án gây xôn xao dư luận vì sự ghen tuông tàn độc của Nguyễn Văn Thắng, nguyên Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tỉnh Quảng Ninh. Sau nhiều lần theo dõi, Thắng bắt quả tang vợ ngoại tình với Trần Minh T. tại nhà nghỉ. Thắng ép buộc tình địch phải tự chặt một đốt ngón tay đem đến cho Thắng để đối tượng này ngâm rượu bày trong phòng làm việc.
 
Hay như vụ Lê Xuân Thuận, trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vì nghi ngờ mẹ quan hệ bất chính đã trở thành nghi can sát hại ông Nguyễn Văn Hiện, bảo vệ Trường THCS Ninh Xá. Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ án nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ ngoại tình.
 
Để giữ gìn những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, bảo vệ hôn nhân một vợ, một chồng, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ; Nhà nước ta đã ban hành Luật hôn nhân và gia đình.
 
Nếu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về hôn nhân và gia đình, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng" theo Điều 147, BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, do qui định của điều luật này tại BLHS năm 1999 còn chung chung nên trong Bộ luật Hình sự 2015, Điều 182  đã qui định rõ hơn.
 
Theo đó: "1- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: a- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó".
 
Trao đổi với Luật sư Trần Anh Tú, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ông Tú cho biết: Đối với trường hợp chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng khoản 1, Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 để xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, ngay cả xử lý hành chính, căn cứ xử lý vẫn phải xác định cặp đôi ngoại tình "chung sống như vợ chồng". Khái niệm "chung sống như vợ chồng" đã được giải thích cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-9-2001, nhưng để đối tượng ngoại tình "chung sống như vợ chồng" mới bị xử lý hành chính hoặc gây ra những hậu quả như qui định tại Điều 182 BLHS 2015 thì rất xa vời.
 
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp ngoại tình lại không "chung sống như vợ chồng" mà lén lút hoặc công khai "quan hệ tình cảm" tại nhà nghỉ, cơ quan, công sở, thậm chí còn đưa cả về nhà riêng của vợ, chồng để ân ái…
 
Trong trường hợp này, do họ không "chung sống như vợ chồng" mà chỉ "tàu nhanh", "chớp nhoáng" với nhau nên ngay cả xử lý hành chính cũng không thực hiện được, chưa nói đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi, hành vi ngoại tình mà không "chung sống như vợ chồng" cũng để lại những hậu quả không thua kém gì với hành vi ngoại tình mà có "chung sống như vợ chồng".
 
Ví dụ như trường hợp ông Phó giám đốc một Bệnh viện đa khoa cấp huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa có quan hệ bất chính với chị Nguyễn Thị L., là điều dưỡng tại bệnh viện. Hai người đã nhiều lần "quan hệ" với nhau tại phòng làm việc cơ quan và các địa điểm khác. 
 
Ông Phó Giám đốc còn quay lại clip để "làm kỷ niệm" nhưng cũng rất khó để xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính. Song do ông Phó giám đốc là cán bộ, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước nên sẽ bị xử lý về mặt Đảng và mặt chính quyền. Còn với những người không phải là cán bộ, viên chức thì không có chế tài để xử lý.
 
Bởi vậy, thiết nghĩ, những người làm luật cần nới rộng phạm vi để xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi "chung sống như vợ chồng" mới xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Bên cạnh đó, cũng có lời khuyên cho những người vợ, người chồng, người con, người thân trong gia đình, nếu phát hiện bạn đời; bố, mẹ; người thân trong gia đình mình vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình thì cần bình tĩnh, xử lý theo đúng trình tự pháp luật; chớ nóng giận mất khôn, chẳng những không níu kéo được tình cảm, hạnh phúc gia đình mà còn sa vào vòng tố tụng.
 
Theo Đào Minh Khoa/Công an nhân dân
.