(BVPL) - Ước tính trên thế giới có 700.000 người chết mỗi năm có liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Ở Việt Nam hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng thuốc và những trường hợp bệnh nhân nguy kịch do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là những số liệu rất đáng báo động mà Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới vừa công bố cho thấy mối hiểm họa của tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
 


Hiện tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức cao. Theo Bộ Y tế, tiền thuốc kháng sinh chiếm 33% trong chi phí điều trị bệnh, việc mua thuốc kháng sinh một cách dễ dàng mà nhiều người ví như mua rau cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày một trầm trọng. Một khảo sát của Bộ Y tế năm 2011 cho thấy, ở khu vực thành thị có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi ở nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn lên đến 91%. Trong khi đó, người dân vẫn mơ hồ về mối đe dọa ngày càng tăng từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh đối với sức khỏe. Nhiều người cho rằng, kháng sinh có thể được sử dụng để chữa cảm lạnh, cảm cúm dù thực tế nó không có tác dụng gì đối với các chủng vi rút này.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính đến năm 2050 tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, tức là cứ 3 giây có 1 trường hợp tử vong lớn hơn so với số trường hợp tử vong do bị ung thư hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, kiểm soát việc chủ động sử dụng kháng sinh chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc trực tiếp, việc bị động đưa kháng sinh vào cơ thể qua thức ăn mà cụ thể là thịt động vật mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh.

Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Nó gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm như xảy ra phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh, gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh… Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng muộn hơn khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh như tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát để chữa và phòng dịch bệnh hay kích thích tăng trưởng ở vật nuôi có thể khiến vi khuẩn phát triển thành những siêu vi khuẩn kháng thuốc, những siêu vi khuẩn này có thể lây lan sang người. Trong khi đó, Việt Nam là một trong ba nước trong khu vực được dự đoán có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở động vật nuôi tăng cao nhất trong giai đoạn 2010 – 2030.

Trước thực trạng báo động về kháng thuốc kháng sinh, việc quan trọng hiện nay là nâng cao nhận thức của mọi người dân từ cán bộ y tế, thú y, dược sỹ và cả người nông dân về kháng sinh và sử dụng kháng sinh đúng cách. "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.
 

PV

.