Hút shisha nguy hiểm hơn thuốc lá điếu!
Cập nhật lúc 22:49, Thứ tư, 20/01/2016 (GMT+7)
Ai cũng biết rằng thuốc lá là có hại cho sức khỏe nhưng theo một nghiên cứu vừa công bố thì việc hút shisha thậm chí còn độc hại hơn thuốc lá nhiều lần. (hút shisha, sức khỏe, chất độc hại, khí CO, ung thư)
Ai cũng biết rằng thuốc lá là có hại cho sức khỏe nhưng theo một nghiên cứu vừa công bố thì việc hút shisha thậm chí còn độc hại hơn thuốc lá nhiều lần.
Mặt khác, theo một nghiên cứu cũng do ĐH Pittsburgh tiến hành và công bố mớ đây thì việc hút shisha còn có nguy cơ trực tiếp cao hơn cả thuốc lá truyền thống. Bằng cách phân tích dữ liệu thuộc hơn 500 nghiên cứu trước đây về chất độc do con người tạo ra, bao gồm cả việc hút shisha và thuốc lá, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỗi lần hút shisha, người hút sẽ hít vào khoảng 74 lít khói, nghĩa là gấp 125 lần so với khi hút một điếu thuốc lá.
Khi đó, người hút shisha sẽ tự tiếp xúc trực tiếp với lượng nhựa (tar) lớn gấp 25 lần so với khi hút thuốc lá và nếu shisha có nicotine thì nồng độ hấp thụ cũng cao hơn thuốc lá 2,5 lần, đồng thời lượng CO cũng cao hơn gấp 10 lần. Mặt khác, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nhựa từ thuốc lá điếu có liên quan tới ung thư phổi và các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó cũng đúng đối với khi hút shisha.
Mặc dù nghiên cứu lần này đã dấy lên mối quan tâm mạnh mẽ về ảnh hưởng của việc hút shisha đối với sức khỏe con người, nhưng nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rằng cần tiến hành thêm nghiên cứu trong thời gian tới bởi hiện tại, họ vẫn chưa xác định được chính xác việc hút shisha sẽ gây tổn hại tới con người như thế nào. Mặt khác do việc hút thuốc của mỗi người là khác nhau, thói quen hút shisha cũng có sự khác biệt nên lượng chất độc chính xác mà mỗi người hút vào cũng có sự khác nhau. Dù vậy, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng kết quả ước tính lần này đã cho thấy những người hút shisha sẽ hút phải chất độc nhiều hơn so với những gì họ tưởng. Cuối cùng, họ cho rằng cộng đồng cần có mối quan tâm đúng mức hơn đối với loại hình hút shisha nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nó đối với con người, đặc biệt là đối với các đối tượng thanh thiếu niên và người trẻ tuổi vốn thường cho rằng đó chỉ là một "trò chơi vô hại".
Trước đó, thông tin sức khỏe trên tờ Reuters cho hay, một cảnh báo của các nhà nghiên cứu Tracey E.Barnett, thuộc ĐH Florida, Mỹ, cho rằng, vị mát, ngọt của shisha hấp dẫn giới trẻ, khiến cho người hút cứ nghĩ rằng sẽ không bị độc hại. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho tháy việc hút shisha có thể gây độc hại ở mức độ cao. Cụ thể là, hút shisha một lần, người hút cũng có thể bị ngộ độc khí CO ( đây là một loại khí thải của động cơ xe máy), có khả năng gây nên các bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, cúm và thậm chí là cả lao.
Đặc biệt, đối với việc sử dụng shisha lâu dài có thể mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, shisha cũng gây ra các biến chứng khi mang thai tương tự như đối với người sử dụng thuốc lá. Hơn thế nữa, việc dùng chung một ống hút shisha cũng làm lây truyền virus Viêm gan C và các dị ứng mụn rộp. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra lời cảnh báo rằng, một phiên hút shisha thường kéo dài từ 20-80 phút. Như vậy, trong suốt thời gian đó, những người hút shisha có thể hít một lượng khói bằng hút 100 điếu thuốc lá. Đặc biệt, lượng nicotine trong shisha đi vào bên trong cơ thể còn cao hơn cả thuốc lá đến 75%. Bởi lý do như vậy mà, hút shisha cũng có tác hại không kém gì thuốc là khi gây ra bệnh ung thư và một số bệnh khác trong cơ thể.
Shisha là một loại được sử dụng trong môi trường hẹp, với lượng khói dày đặc, sẽ gây ảnh hưởng tới cả những người hút thụ động. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết tỷ lệ các bệnh răng miệng, ung thư phổi ở những người sử dụng shisha sẽ tăng gấp 5 lần so với những người không sử dụng.
Theo PL&XH
.