(BVPL) - Với tâm lí cho rằng con cháu trong cùng nhà, cùng dòng họ lấy nhau sẽ gần gũi hơn, lại không phải phân chia tài sản cũng không sợ mất con, mất cháu nên trước đây, tình trạng hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc ít người. Những năm gần đây, mặc dù đã ít nhiều được hạn chế, nhưng ở vùng núi cao phía Bắc, hôn nhân cận huyết vẫn như con ma rừng ám ảnh cuộc sống của bà con, hậu quả của tình trạng này đã và đang từng ngày, từng giờ hiện hữu trên cơ thể của những đứa trẻ vô tội.
Ám ảnh từ quá khứ
Bé Bùi Thanh Thúy ở xã Đú Sáng, Kim Bôi, Hòa Bình năm nay đã 9 tuổi nhưng những chỉ số phát triển cơ thể mới chỉ như đứa trẻ lên 6. Nguyên nhân là do, ngay từ khi sinh ra, Thúy đã mang trong mình căn bệnh thalassemia hay còn gọi là bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Không chỉ còi cọc hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, căn bệnh quái ác này còn khiến cơ thể của Thúy luôn ở trong tình trạng ngứa ngáy khó chịu.
Để hạn chế những tác động xấu của bệnh, một tháng một lần, Thúy lại được bố mẹ đưa đến các cơ sở y tế để truyền máu. Anh Bùi Văn Dũng, bố bé Thúy cho biết: Chi phí cho những lần điều trị như vậy không hề nhỏ, chính vì thế, dù rất cần cù chăm chỉ lao động, anh chị vẫn chẳng thể lo đủ tiền chữa bệnh cho con.
|
Tình trạng hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc ít người. |
Cũng giống như Thúy, hai anh em Bùi Văn Bính và Bùi Văn Bác ở xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình đã mang trong mình căn bệnh thalassemia từ khi lọt lòng mẹ. Nhìn ngoại hình, rất khó để tin rằng Bính và Bác đã bước sang tuổi 25 và 20. Từ nhỏ đến giờ, hai anh em mỗi người cũng đã gãy chân hoặc tay đến ba lần, thế nên, dù đang ở vào độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời nhưng ngoài những công việc lặt vặt trong gia đình, 2 anh em Bính, Bác cũng chẳng giúp được cha mẹ công việc gì đáng kể. Sức lao động của vợ chồng anh Bùi Văn Biển và chị Bùi Thị Ức chẳng thể nào lo nổi cho 4 miệng ăn và chi phí chữa bệnh cho 2 người con.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Kim Bôi, Hòa Bình, có nhiều nguyên nhân gây nên căn bệnh thalassemia mà bé Thúy hay anh em Bính, Bác mắc phải, trong đó hủ tục hôn nhân cận huyết từ những thế hệ trước để lại là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất.
Câu chuyện hôm nay
Trong những năm gần đây, dù đã được hạn chế phần nào nhưng hủ tục hôn nhân cận huyết vẫn chưa được chấm dứt hoàn toàn ở vùng núi phía Bắc.
Anh Vàng A Chua và chị Mùa Thị Chia ở xã Suối Bu, Văn Chấn, Yên Bái cưới nhau đã được 3 năm nay. Mặc dù mẹ chị Chia và bố anh Dua là 2 chị em nhưng điều đó cũng chẳng phải là lí do để ngăn cản đôi trẻ đến với nhau.
May mắn là, ngoài dị tật ở bàn tay, con trai đầu lòng của anh Chua và chị Chia, cháu Vàng A Dua đã không bị mắc những căn bệnh thường gặp ở những đứa trẻ có bố mẹ là những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết. Thế nhưng, những gen lặn gây bệnh vẫn tiềm ẩn trong cơ thể của bé Dua. Và việc những gen lặn ở thế hệ này có thể trở thành gen trội ở thế hệ sau hay không, điều đó chẳng ai dám chắc!
Bên cạnh những hậu quả dễ nhận thấy như gây bệnh thalassemia cho những người như bé Bùi Thanh Thúy, anh em Bùi Văn Bính, Bùi Văn Bác, hôn nhân cận huyết còn để lại những gen gây bệnh ở ngay cả những cơ thể tưởng chừng như hoàn toàn khỏe mạnh. Theo một cuộc điều tra mới được Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện tại các xã Vĩnh Đồng, Đú Sáng và Nam Thượng thuộc huyện Kim Bôi, Hòa Bình thì có tới 23% trẻ vị thành niên, thanh niên ở các địa phương này mang gen thalassemia lặn. Rất có thể, ở những thế hệ tiếp theo, gen thalassemia này sẽ trở thành những gen trội giống như trường hợp mà bé Thúy cũng như anh em Bính, Bác đã mắc phải. Đương nhiên, những người bệnh sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Tương lai chưa sáng lạn
Đứng trước những hậu quả nghiêm trọng như vừa kể trên, từ nhiều năm nay, Tổng cục DS – KHHGĐ đã triển khai những biện pháp hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết.
Ông Vũ Xuân Trường – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số cho biết, từ năm 2009, Tổng cục DS – KHHGĐ đã xây dựng và triển khai mô hình giảm tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở 5 tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc ít người cư trú và đến năm 2013, mô hình này tiếp tục được mở rộng ra 26 tỉnh. Cho đến nay, những mô hình này vẫn tiếp tục hoạt động và đạt được những hiệu quả nhất định.
Mặc dù đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của ngành dân số, thế nhưng, có lẽ, hủ tục hôn nhân cận huyết vẫn chưa thể được xóa bỏ hoàn toàn trong thời gian tới, đơn giản bởi vì, đôi khi, phép vua vẫn thua lệ làng.
Một mùa xuân, mùa của lễ hội, của lễ cưới đã lại về với bản làng, và câu hỏi làm thế nào để mỗi đứa trẻ ra đời sẽ lớn lên khỏe mạnh, để mỗi mùa hoa đào, hoa mận sẽ trở nên rực rỡ hơn vẫn đang lẩn khuất giữa điệp trùng núi rừng phía Bắc.
Hữu Bắc