(BVPL) - Sau cuộc "đập đá", những người trẻ trượt dài vào cơn ảo giác với ám ảnh về ác quỷ, điên cuồng đuổi đánh người thân khiến gia đình tan vỡ. Có người còn tưởng mình... bay được nên nhảy từ nhà tầng xuống.

 
 
Theo người nhà, Hoàng 28 tuổi, chưa vợ, cả ngày tụ tập cùng đám bạn bè và sa chân vào sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá. Sau những cuộc vui ấy, Hoàng bắt đầu có những biểu hiện không kiểm soát được bản thân. Anh thường lao về nhà đập phá khiến gia đình thường xuyên xảy ra cảnh lớn tiếng. Có hôm Hoàng đánh mẹ sưng mặt nhưng khi hết cơn ảo giác lại quay ra "truy" ai đã đánh mẹ mình.
 
Khác với Hoàng, bệnh nhân Sơn (Khoa Pháp y - chất nghiện) tỏ ra lanh lẹ khi kể về chính mình. Trong "lý lịch" của bệnh án, Sơn có 8 năm nghiện heroin, 4 năm đi cai nghiện. Quyết tâm hoàn lương nhưng rồi công việc thợ sơn sớm khiến người đàn ông 45 tuổi chán nản, chuyển sang nghề chạy xe thồ. Làm nghề này, những người bạn mới đã một lần nữa đưa anh "lên tiên" sau vài lần tụ tập hút chích.
 
Gia đình thấy anh mất ngủ, suốt ngày ngồi nói nhảm nhí, đuổi đánh người thân và tránh tiếp xúc với mọi người, nên đưa anh lên bệnh viện tâm thần. Bác sĩ thử nước tiểu, phát hiện bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp.
 
Nằm điều trị ở phòng bên cạnh, bệnh nhân Tuấn quê Quảng Ngãi ngồi co ro trên giường bệnh, mặt phờ phạc vì vừa lên cơn thèm thuốc. Tuấn cho biết đã nhiều lần quyết tâm từ bỏ "cái chết trắng", bạn bè rủ rê lại quay về đường cũ, bỏ mặc vợ và con.
 
"Bố mẹ tôi cũng đau khổ lắm. Ra đây tôi thấy như mình sống khác, đỡ làm khổ vợ con. Tôi cũng đã nói với vợ đưa con ra ở riêng vì tôi không mang lại hạnh phúc cho cô ấy được nữa, nếu cứ mãi chung sống với tôi sẽ phí tuổi thanh xuân", bệnh nhân Tuấn tâm sự và cho biết muốn ở lại bệnh viện để xa chúng bạn, sợ về nhà lại tái nghiện.
 
Bác sĩ Lê Văn Nguyên, Phó Trưởng khoa Pháp y - Chất gây nghiện, cho biết nhiều bệnh nhân nhập viện bị ảo giác, hoang tưởng mãn tính sau khi dùng ma túy đá, phải điều trị suốt 3-4 tháng. Bệnh nhân hoàn toàn không làm chủ được hành vi nên phải theo dõi điều trị kết hợp nhiều phương pháp an thần.
 
"Nhiều khi nửa đêm bệnh nhân bị ám ảnh bởi ảo giác nên đập vỡ cửa kính, lấy mảnh kính dài nhọn làm vũ khí để tấn công bác sĩ cũng như những người xung quanh vì tưởng họ là kẻ thù đang tấn công mình. Các bác sĩ phải nhờ đến công an can thiệp mới khống chế được. Có bệnh nhân nhập viện vẫn nói cười bình thường, điều trị cả tuần thì quay ra hỏi bác sĩ rằng sao mình lại ở đây", bác sĩ Nguyên kể.
 
Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Văn Mau, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, cho biết tình trạng bệnh nhân bị chứng ảo giác sau khi dùng chất kích thích như ma túy dạng đá, thuốc lắc ngày một nhiều trong vòng 2 năm nay. Không riêng nam giới mà cả nữ cũng mắc chứng bệnh này. Bình quân một tuần, bệnh viện tiếp nhận 7-10 ca và đang có xu thế tăng.
 
Bệnh nhân đều có biểu hiện giống như người bị bệnh tâm thần, luôn thấy những quái vật, hình ảnh khác lạ, nghe thấy những tiếng khen chê và hung dữ tấn công lại người đối diện. Nguy hiểm hơn, nhiều bệnh nhân tưởng tượng mình có khả năng bay được nên nhảy từ nhà tầng xuống, hay lái xe chạy với tốc độ cao, lạng lách đánh võng gây tai nạn giao thông.
 
"Hầu hết người sử dụng ma túy tổng hợp dạng 'đá', thuốc lắc đều nghĩ rằng mình sẽ không bị nghiện. Tuy nhiên khoảng 11% người sử dụng chất kích thích dạng này bị nghiện. Người dùng 1-2 lần có thể bị chứng ảo giác từ cấp độ nhỏ đến mãn tính. Cái khó là những người nghiện heroin bị ảo giác có thuốc điều trị, còn những người ảo giác do 'đập đá' lại chưa có nghiên cứu điều trị cụ thể", bác sĩ Mau nói.
 
Trước thực trạng nhiều thanh thiếu niên có tâm lý dùng hàng đá sẽ không bị nghiện nên truyền nhau cùng sử dụng ngày một nhiều, bác sĩ Mau khuyến cáo: "Suy nghĩ này lệch lạc và nguy hiểm bởi khi bị ảo giác sẽ rất khó điều trị dứt điểm, mất hết khả năng điều khiển hành vi. Khi bệnh nhân tái sử dụng lại chất kích thích sẽ tiếp tục bị ảo giác kéo dài. Cách tốt nhất để tránh ảo giác là tránh xa tất cả các chất kích thích gây nghiện".
 
VnExpress
.