õõ

Tỷ lệ học sinh - sinh viên (HS-SV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bình quân của cả nước là 88%, trong khi tại Đồng Nai mới đạt khoảng 76%. Tỷ lệ này được xem là thấp nhất cả nước.

 

Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động y tế học đường cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV tại các trường học còn gặp nhiều khó khăn do không tuyển dụng được nhân viên y tế có bằng trung cấp y sĩ. Trong thực tế, vẫn còn nhiều trường học tuyển dụng cả hộ lý, dược sĩ trung cấp, sơ cấp. Thậm chí có trường giao mảng y tế cho nhân viên kế toán, giáo viên tổng phụ trách! Trong khi đó, theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định, chỉ cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV (trích lại 7% tổng số tiền học sinh đóng BHYT) cho các trường có phòng y tế và nhân viên chuyên trách có trình độ tối thiểu là trung cấp y. Do vậy, nhiều trường không nhận được nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV.

 

Mặt khác, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến cơ sở chưa cao nên nhiều phụ huynh còn đắn đo khi cho con tham gia BHYT. Ông Trần Trung Thuận, cán bộ phụ trách y tế học đường Sở GD-ĐT, cho biết một trong những trở ngại lớn nhất khi vận động phụ huynh mua BHYT cho con em họ chính là chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, một số bệnh viện tuyến huyện cũng còn thấp.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

 

Hiện nay, không chỉ các địa phương vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT thấp mà cả những địa phương có kinh tế phát triển, như: Nhơn Trạch, Trảng Bom, tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT cũng rất thấp. Cụ thể, như: huyện Nhơn Trạch đạt trên 45%; huyện Trảng Bom đạt trên 52%.
Tại buổi làm việc với Đồng Nai về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương Hà Dũng Hải nhấn mạnh, để tăng số người tham gia BHYT, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là chú ý tập trung tuyên truyền ở nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm còn thấp, trong đó có HS-SV. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội tỉnh tập huấn cho ban giám hiệu các trường để làm tốt hơn công tác tuyên truyền về BHYT; tăng cường sự chỉ đạo cấp ủy, chính quyền đối với các trường có tỷ lệ thấp; tổ chức đoàn khảo sát kiểm tra kịp thời tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

 

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phan Văn Mến cho biết trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nhiều giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để người dân, trong đó có đối tượng HS-SV thấy được lợi ích khi tham gia BHYT, nhất là việc giá viện phí sẽ tăng cao từ ngày 1-1-2016. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá công tác BHYT ở một số huyện có tỷ lệ thấp để xác định nguyên nhân và có giải pháp phấn đấu tăng tỷ lệ tham gia BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 80% người dân tham gia BHYT.

 

Song song đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ rà soát lại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để đánh giá lại thực trạng, chất lượng khám, chữa bệnh. Nếu không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh sẽ ngừng ký hợp đồng với các đơn vị này trong khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thu BHYT theo tháng theo quý, thậm chí thu theo tháng đối với những trường hợp thật sự khó khăn để HS-SV có điều kiện tham gia BHYT.

 

Riêng bất cập trong cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép cấp kinh phí này cho các trường học có ký hợp đồng với trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho HS-SV, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi.

 

Theo Báo Đồng Nai

.