(BVPL) - Những ngày đầu tháng 9, tại Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) và Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã xảy ra những sự việc đau lòng khiến một sản phụ và một thai nhi tử vong.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế: mới đây, lãnh đạo bệnh viện này đã có buổi họp báo liên quan đến trường hợp sản phụ Hoàng Thị Nhung (27 tuổi, trú Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị thai lưu hơn 8 tháng tuổi. Thông tin bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện cung cấp tại buổi họp báo cho biết, bệnh nhân Nhung được người nhà đưa vào Khoa Sản lúc 18h25 ngày 3/9. Lúc vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, mạch đập ổn định. Sản phụ được chỉ định làm đầy đủ các xét nghiệm và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế theo hướng dọa sinh non và trưởng thành phổi. Đến 19h45 cùng ngày, các y bác sĩ tiến hành đo tim thai và không phát hiện được tim thai. Sản phụ chuyển dạ lúc 7h30 ngày 5/9 và đến 20h cùng ngày, sản phụ sinh thường, bé trai nặng 2 kg. Cuống rốn thai nhi nhồi máu, bầm tím dài khoảng 10 cm; có một mảng xuất huyết lớn từ thành ngực xuống bụng. Bệnh viện đề nghị chuyển thai nhi đến Khoa Giải phẫu bệnh để tiến hành mổ thi thể nhằm xác định nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, gia đình sản phụ đã không đồng ý và xin đưa thai nhi về quê ở Quảng Trị.

Tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh: đơn vị này cũng vừa có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Tĩnh liên quan đến vụ việc sản phụ Phan Thị T. (trú phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) tử vong tại Bệnh viện này sau khi được mổ lấy thai nhi. Theo báo cáo, sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc này, Bệnh viện đã tổ chức họp kiểm khảo tử vong, tổng hợp diễn biến quá trình khám, cấp cứu và điều trị sản phụ Phan Thị T. Theo đó, sản phụ T. vào Khoa Sản lúc 6 giờ 40 phút ngày 3/9. Chẩn đoán lúc vào là thai đủ tháng chuyển sinh con thứ 2; tình trạng lúc vào viện tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không phù nề, không xuất huyết dưới da, nhịp tim đều, phổi không ran, mạch 90 lần/phút. Sản phụ được làm xét nghiệm máu, điện tim, tổng phân tích nước tiểu, monitoring theo dõi tim thai. Lúc 6 giờ 50 phút, sản phụ xuất hiện cơn co tử cung mạnh, ối vỡ. Khoảng 1 phút sau, sản phụ lơ mơ, gọi không đáp ứng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, ngừng tim. Sản phụ được đặt ống nội khí quản, bóp bóng oxy, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenalin, đặt đường truyền tĩnh mạch.

Các bác sĩ và lãnh đạo Bệnh viện tổ chức hội chẩn cấp cứu, đồng thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của PGS-TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế qua điện thoại. Sau 15 phút cấp cứu, sản phụ có nhịp tim trở lại, được bóp bóng oxy, truyền Adrenalin duy trì và chuyển mổ cấp cứu với chẩn đoán ngừng tuần hoàn/theo dõi tắc mạch ối/thai đủ tháng chuyển sinh con thứ 3; tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong. Kíp phẫu thuật tiến hành mổ cấp cứu, lấy ra một bé gái nặng 3kg đã ngừng tuần hoàn. Bác sĩ Khoa Nhi cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ cho bé sơ sinh. Sau khi cấp cứu, nhịp tim bé đập trở lại, tiên lượng nặng, chuyển Khoa Nhi cấp cứu, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị tiếp.

Sản phụ sau khi mổ được chuyển xuống khoa hồi sức tích cực điều trị trong tình trạng hôn mê, thở theo nhịp bóp bóng qua ống nội khí quản. Tại khoa hồi sức tích cực, sản phụ tiếp tục được hội chẩn, thống nhất chẩn đoán và phác đồ xử trí, điều trị. Sản phụ được duy trì thở máy, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh, truyền máu, truyền dịch, theo dõi trên monitor. Tuy nhiên, tình trạng của sản phụ diễn biến nặng dần, đáp ứng kém với điều trị, hôn mê sâu...Đến 16 giờ 15 phút cùng ngày, sản phụ T. ngừng tim, đã được tiến hành cấp cứu nhưng không có hiệu quả, xác định sản phụ tử vong.

Về trường hợp thai nhi bị chết tại Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi nghe lãnh đạo Bệnh viện thông báo kết quả sự việc, anh Võ Hoài Nam (chồng sản phụ Nhung) cho rằng phía Bệnh viện không trung thực trong việc cung cấp thông tin trong báo cáo. Anh Nam cho rằng, bản báo cáo bị sai mốc thời gian nhập viện và khám đo tim thai cho sản phụ. Đồng thời, trong bệnh án lời khai bệnh nhân có sửa đổi. Trong báo cáo của bệnh viện ghi thời gian nhập viện lúc 18h25 và khám đo tim thai lúc 19h45. Tuy nhiên, thời gian thực tế anh này đưa vợ nhập viện lúc 17h và được khám đo tim thai lúc 20h30. Bên cạnh đó, anh Nam còn cho rằng phía gia đình muốn xem lại bệnh án cũ nhưng đến nay phía Bệnh viện vẫn không cho xem. Nghi ngờ cái chết của con trai mình là do sự tắc trách của ê-kíp y bác sĩ trực, anh Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Y tế yêu cầu làm rõ nguyên nhân thai nhi tử vong và trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ trong kíp trực. Phía Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã yêu cầu các y bác sĩ trong kíp trực liên quan làm tường trình đầy đủ sự việc; đồng thời, bệnh viện cũng tạm đình chỉ công tác chuyên môn của những người này để chờ kết luận cuối cùng.

Còn về trường hợp sản phụ chết tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện này cũng đã có ý kiến về trường hợp sản phụ T. tử vong. Theo phía Bệnh viện, bệnh nhân đã được tiếp đón khẩn trương, chu đáo, kịp thời; khám toàn diện, chẩn đoán đúng, phù hợp triệu chứng; điều trị đúng, cấp cứu đúng phác đồ. Diễn biến của sản phụ rất đột ngột, bệnh quá nặng nên không qua khỏi. Đây là 1 trong 5 tai biến sản khoa rất nặng, bất khả kháng, diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao và không lường trước được. Trước đó, gia đình sản phụ T. cũng cho rằng cái chết của sản phụ T. là không rõ ràng nên đã buộc Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh phải có sự trả lời minh bạch về nguyên nhân tử vong.
 

X. N

.