Từ đầu năm 2105 đến nay, số ca mắc tay chân miệng Hà Nội ghi nhận là 530 ca, phân bố rải rác tại 204 xã, phường, thị trấn. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tuy tăng nhưng các các ca bệnh thường thể nhẹ, không có ca tử vong.
 


Theo Cục Y tế dự phòng, cả nước ghi nhận hơn gần 13 nghìn trường hợp mắc, trong đó có 02 trường hợp tử vong tại tỉnh  Hậu Giang (01) và Tiền Giang (01). Riêng trong tháng 4 cả nước ghi nhận trê 5.300 trường hợp mắc. So với cùng kỳ năm 2014 số mắc cả nước giảm 18,2 %, tử vong tương đương.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, từ đầu năm 2105 đến nay số ca mắc tay chân miệng Hà Nội ghi nhận là 530 ca mắc, phân bố rải rác tại 204 xã, phường, thị trấn. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tuy tăng nhưng các các ca bệnh thường thể nhẹ, không có ca tử vong.

Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như BV Nhi Trung ương, khoa Nhi (BV Bạch Mai), khoa Nhi (BV Xanh pôn)... hiện vẫn có rải rác bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám. Như tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) mỗi ngày có 3 - 5 trẻ được xác định mắc tay chân miệng. Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, bác sĩ thường hướng dẫn để bố mẹ theo dõi, chăm sóc con tại nhà.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết, khi bị tay chân miệng, các nốt phỏng mọc trong miệng là vấn đề đáng ngại nhất khiến trẻ đau không ăn được, không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm viêm nha chu, nấm miệng… do người lớn không biết cách chăm sóc.

Chính vì việc xuất hiện các nốt phỏng trong miệng khiến vệ sinh răng miệng khó, vệ sinh không đúng cách làm trợt vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Trong đó, sai lầm phổ biến nhất là việc bố mẹ dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, lại trong tình huống không được trẻ “cộng tác” khiến nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng càng tăng, làm vết loét thêm nặng.

Có những trẻ còn bị biến chứng viêm nha chu, khiến hai bên hàm đỏ rực, thậm chí chảy máu và lúc này, trẻ buộc phải dùng thêm kháng sinh. Cũng có trẻ, bị tay chân miệng đồng thời với nhiễm nấm miệng (trong khi không hề có nguy cơ, như trước đó không uống kháng sinh), cũng chính bởi hành vi lau miệng cho trẻ bằng khăn sữa, gạc đã đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ.

Theo Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, các trẻ bị tay chân miệng khi đến viện khám đều được bác sĩ hướng dẫn rất chi tiết cách chăm sóc trẻ tại nhà. Theo đó, cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Có bé chỉ hâm hấp sốt, nhưng nếu quá đau, cản trở ăn uống có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm đau theo đúng hướng dẫn, 4 - 6 tiếng/lần theo cân nặng của trẻ. Ngoài ra, có thể bôi các thuốc gây tê bề mặt, sát khuẩn miệng trước bữa ăn chừng 15 phút cũng giúp giảm đau, bé sẽ ăn uống dễ hơn.

Khi bị tay chân miệng, do đau đến nước không muốn nuốt nên miệng trẻ rất hôi. Khi đó vệ sinh miệng tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng khi thấy miệng con hôi, lưỡi phồng rộp mà cố dùng gạc “cạo” rộp trắng rất nguy hiểm. Miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch, cố gắng khuyến khích trẻ uống nhiều nước, xúc miệng nước muối… là có thể làm sạch răng miệng, không nên có những tác động mạnh khiến các nốt phỏng trợt loét trẻ càng đau đớn, lâu khỏi.

Về dinh dưỡng, cho trẻ ăn các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa… Tăng cường các loại nước quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ.

“Cha mẹ tuyệt đối không nên quá nôn nóng, sốt ruột thấy con ăn uống không như ngày thường mà ép trẻ ăn, vì đã lưu ý là trẻ rất đau. Không ít mẹ phàn nàn với bác sĩ cả ngày được 1 - 2 cốc sữa. Thậm chí có trẻ đói quá, với đòi ăn nhưng khi thức ăn vào miệng lại đau không nuốt, miệng bung búng nước. Hãy bắt đầu bằng đồ loãng là nước, sau đó bôi gel giảm đau sát khuẩn được bác sĩ kê khoảng 15 phút mới ăn thì trẻ sẽ đỡ đau hơn. Tuy nhiên lượng thức ăn không thể được như ngày thường. Chăm sóc trẻ đúng cách, thông thường sau 3 - 4 ngày bệnh khỏi, trẻ sẽ ăn uống trở lại bình thường. Trong quá trình này các bậc phụ huynh cũng theo dõi trẻ tại nhà, nếu thấy có những bất thường như trẻ sốt cao lên, li bì, mệt mỏi quấy khóc nhiều thì cần đưa trẻ tái khám để phòng nguy cơ bệnh diễn biến nặng lên”, BS Nam cảnh báo.
 

Theo Dân trí

.