Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hiện nay, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà các bệnh viện khác trong cả nước, một số thuốc giải độc thuộc hàng thuốc hiếm đều không có sẵn. Ví như, năm ngoái có vụ ngộ độc pa tê chay thì phải nhờ đến Tổ chức Y tế thế giới cho mình một ít thuốc nhưng cũng là muộn nên xử lý hiệu quả không cao.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu một trường hợp ngộ độc.

Trước việc một số thuốc hiếm không có sẵn khi cần, tôi đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế và Cục trưởng Cục Dược về vấn đề này. Theo tôi phải đánh giá trong vòng 1 năm, mình sử dụng bao nhiêu rồi tổng hợp lại lập kho dự trữ thuốc hiếm ở 3 miền đất nước. Để khi xảy ra những vụ việc ngộ độc, rắn cắn… có thuốc chữa cho người dân.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã đề nghị các chuyên gia đầu ngành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm. Tuy nhiên, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng nhiều khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh. Chính vì vậy, vẫn phải mua nhưng với lượng vừa phải để sẵn sàng cung ứng cho người bệnh và cũng tránh được sự lãng phí".

"Các thuốc hiếm, như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân...hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định", Giáo sư Đào Xuân Cơ cho biết thêm.

Trước đó, nhiều thông tin về việc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai thiếu một số loại thuốc giải độc khiến người dân lo lắng.

Lê Sử