Đây là lô vắc xin thứ 2 do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC và lô vắc xin AstraZeneca thứ tư về tới Việt Nam.
Đến nay đã có 4 lô vắc xin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều.
Tính từ ngày 8/3, khi Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến nay đã có 1.034.072 người tiêm. Các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như: lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.503 người.
Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca tên là AZD1222, do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển. Vắc xin được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Vắc xin AstraZeneca có giá thấp hơn hai đối thủ là Moderna và Pfizer, cũng dễ vận chuyển và bảo quản (ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C).
Theo AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ của vắc xin đã được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng và trên thực tế, là dung nạp tốt và có hiệu lực đạt trên 80% đối với người trưởng thành, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và nhập viện sau liều tiêm đầu tiên. Với hai biến thể mới của virus là Ấn Độ (B.1.617.2) và Anh (B.1.17) vaccine cũng tạo ra hiệu quả bảo vệ tương tự như chủng ban đầu.
Bộ Y tế Việt Nam đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vắc xin từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.