Bộ Y tế cảnh báo, Ebola có thể vào Việt Nam bằng con đường hàng không, du lịch. Từ đó, sẽ có nhiều nhóm lây nhiễm khác nhau.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch Ebola có thể lây lan đến Việt Nam qua 4 nhóm sau: Công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; Công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; Người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola; Người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola.
Mặc dù virus Ebola không lây truyền qua đường không khí, song nguy cơ lây qua đường hàng không, du lịch đang được cảnh báo là nguồn lây truyền mầm bệnh. Do đó, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ về giải pháp ngăn chặn dịch Ebola.
Theo đó, triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó, phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola tại Việt Nam, phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Ebola cũng đang được xây dựng và trình lên lãnh đạo Bộ Y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, phát hiện sớm ca bệnh do virus Ebola nếu có. Người đi du lịch được khuyến cáo hạn chế đến các quốc gia đang có dịch.
Lý giải về nguyên nhân dịch eblola tăng mạnh ở Châu Phi, ông Phu cho hay, đặc tính của virus Ebola lây nhanh và mạnh. Thế nhưng người dân châu Phi có tập quán chăm sóc người bệnh tại nhà, không đưa đến cơ sở y tế, thậm chí là trốn tránh.
Thứ nữa, tại châu Phi, tập quán mai táng, chôn người chết đã khiến nguy cơ người lành tiếp xúc với dịch tiết dính trên quần áo.
Ngoài ra, tại bệnh viện, việc cách ly cũng không triệt để, dẫn tói bệnh lây cho cả cán bộ y tế.
Đáng báo động là dịch này trước đây vốn chỉ trong phạm vi địa phương, nay diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không.
Theo Infonet