Đó là bệnh nhân L.V.T. (sinh năm 1998, trú xã Xuân Trường, Huyện Xuân Lộc), tạm trú tại TP Hồ Chí Minh.
Ngày 17/9, bệnh nhân khởi phát bệnh và có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám, điều trị tại phòng khám tư (chưa rõ địa chỉ) nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 22/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, ghi nhận hết sốt, còn ngứa, thêm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục, bệnh viện nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, cùng ngày, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 23/9 cho kết quả dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. 

Trước đó, ngày 16/9, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn gái N.T.L lao động tự do, hiện tại N.T.L cũng đang có triệu chứng phát ban dạng mụn mủ. Từ ngày 17/9 đến ngày khởi phát bệnh (22/9) có tiếp xúc với 4 người thân đang trong giai đoạn ủ bệnh. 

Đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh Đồng Nai, trước mắt chưa xác định được nguồn lây nhiễm.  

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai kiến nghị CDC TP Hồ Chí Minh, CDC Bình Dương tiếp tục điều tra, xử lý đối với bệnh nhân và bạn gái bệnh nhân, đặc biệt lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân với các đồng nghiệp, người thân xung quanh, trong khoảng thời gian từ ngày 17/9/2023 đến nay,  để đưa ra các biện pháp xử trí kịp thời theo hướng dẫn tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.  

Hoài Thu