Đồ ăn chay hiện đã trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, và cũng được xem là một trong những sự lựa chọn của khá nhiều gia đình khi mà thực phẩm bẩn đang tràn lan tại các chợ. Tuy nhiên, tại sao đồ ăn chay lại có thể được chế biến giống hệt món ăn mặn cả về hình thức lẫn hương vị? Chúng có thực sự an toàn hay không?
Năm nay, thị trường có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay, tương đậu Hàn Quốc, mì chay nấm nhiều mẫu mới cùng với nhiều loại cá như: cá hồi, ba sa, điêu hồng, tai tượng. Đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú, ngoài các thương hiệu uy tín lâu năm thì cũng có nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc) với nhãn mác khá sơ sài thậm chí nhiều sản phẩm không có hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất.
Các chuyên gia cho biết, thực phẩm chay thường được làm từ tinh bột, ngũ cốc và đạm thực vật. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, mầu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm.
Chất tạo mầu, tạo mùi, nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, có khả năng gây rối loạn về hormone giới tính, thậm chí gây ung thư.
Các thực phẩm có chất acid oxalic nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt ở những người có tiền sử về thận, khớp, gút… nguy cơ cao bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh về xương khớp và thần kinh. Nhiều thực phẩm chay được bày bán ở chợ không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và nguồn gốc sản xuất. Nhiều loại nguyên liệu thực phẩm khô sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm chay như táo tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân... nguồn gốc nhập từ Trung Quốc được bày bán tràn lan.
Theo kết quả kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM trên một số thực phẩm chay có bán trên thị trường hiện nay, hàm lượng acid oxalic (chất gây sỏi thận), hàn the… trong các sản phẩm thực phẩm chay khá cao. Phần lớn các loại đồ chay này đều không nhãn mác, không hạn sử dụng và cơ sở sản xuất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Thực phẩm chay được làm một cách nghiêm túc là sử dụng các loại đậu và dầu đi từ dầu thực vật và các loại protein đi từ thực vật, thì người ta buộc phải áp dụng một phương pháp công nghệ là sử dụng các chất phụ gia để tạo nên đông đặc, tạo màu, mùi, vị. Nhưng vấn đề cơ bản là dùng chất phụ gia gì thì phải được kiểm soát.
Hiện nay người ta cũng chưa biết là họ dùng những chất phụ gia gì. Vì vậy buộc các nhà sản xuất phải đăng ký chất lượng và những chất phụ gia thêm vào đối với những sản phẩm đó cho các cơ quan chức năng. Và những sản phẩm nếu nhập khẩu phải có sự kiểm soát của cửa khẩu thì mới cho nhập vào”.
Trên thực tế, nhiều vụ thực phẩm chay mất an toàn vệ sinh đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Do đó, để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng...
Hữu Bắc