(BVPL) - Chăm sóc dinh dưỡng sau khi các bé bị bệnh là công việc không dễ dàng vì đa phần các bé đều bị thay đổi vị giác tạm thời và vẫn còn bị mệt mỏi sau cơn bệnh.
 
Chăm sóc dinh dưỡng cho bé sau bệnh là một công việc không hề đơn giản
Chăm sóc dinh dưỡng cho bé sau bệnh là một công việc không hề đơn giản
 
Do đó các bé thường sẽ biếng ăn, biếng nhai, có thể chỉ chịu bú sữa mẹ hoặc thậm chí bỏ luôn uống sữa. Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp bé phục hồi sức khỏe, sớm lấy lại vị giác và bé sẽ ăn tốt trở lại.
 
Một vài vấn đề cần hiểu đúng:
 
1. Bé sau bệnh có biếng ăn không? 
 
Trả lời: Không phải tất cả, nhưng đa phần các bé bị bệnh về hô hấp, tiêu hóa (tiêu chảy), sốt đều có thể sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn tạm thời do thay đổi vị giác và triệu chứng mệt mỏi của bệnh có thể vẫn còn.
 
2. Bé sau bệnh có thể bị biếng ăn hoàn toàn luôn không?
 
Trả lời: Gần như là không, các bé cần thời gian phục hồi và lấy lại vị giác, do đó mỗi bé là khác nhau: có bé biếng ăn 1 vài ngày, 1 tuần hoặc 1 vài tuần. Tuy nhiên, nếu không chú ý chăm sóc dinh dưỡng bé tốt để bé hồi phục và lấy lại vị giác sớm thì bé có thể biếng ăn kéo dài lên vài tháng.
 
Lời khuyên chung về chăm sóc dinh dưỡng bé sau khi bị bệnh để bé không biếng ăn:
 
1. Các bé dưới 6 tháng tuổi, nên cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức thường xuyên. Nếu bé chỉ chịu bú mẹ thì nên tạo nhiều cơ hội cho bé bú mẹ. Nếu khi cho bé bú mẹ, bé đẩy vú ra hoặc không chịu bú (thường gặp sáng thức dậy hoặc chiều tối), thì nên đợi 20 phút sau hãy cho bé bú lại, nếu bé vẫn không chịu bú thì có thể đút muỗng cho bé cứ 20 phút/lần (vài muỗng khoảng 15-20ml) cho 3 giờ.
 
Sau đó, bé có thể bú mẹ hoặc đút muỗng bình thường. Đút muỗng hỗ trợ bệnh là cách thức nên làm hơn là cho bé bú bình vì có thể làm các bé bú mẹ hoàn toàn bỏ bú mẹ sau khi bị bệnh nếu được bú bình.

Nên đút sữa bằng muỗng để bé không bỏ bú mẹ sau bệnh
Nên đút sữa bằng muỗng để bé không bỏ bú mẹ sau bệnh
2. Nếu bé đang ăn dặm, không nên tưởng bé biếng ăn mà tạm ngưng vài ngày rồi giới thiệu lại cho bé. Các mẹ vẫn tiếp tục cho bé ăn, nhưng chia nhỏ bữa ăn, lượng ăn mỗi bữa chỉ vài muỗng (20ml/bữa là tốt nhất). Các mẹ đừng ép bé ăn, nếu bé không ăn gì trong 24 tiếng thì cũng không sao. Nhưng ngày hôm sau vẫn tiếp tục giới thiệu cho bé ăn. Mỗi ngày bé sẽ phục hồi và sẽ ăn tốt trở lại.
 
Ts.Bs. Annabel chia sẻ: giai đoạn bé lành bệnh, việc bé chấp nhận ăn 1-2 muỗng/bữa là dấu hiệu tốt cho thấy sự hồi phục. Tuy nhiên cha mẹ thường lo lắng bé ăn quá ít so với bình thường mà ép bé ăn thì bé sẽ phản ứng rất dữ dội, do đó, nên để thời gian cho bé hồi phục. Cách tốt nhất cứ chia nhiều bữa cho bé ăn quen dần.
 
3. Nguồn chất đạm nên lựa chọn trong thức ăn dặm cho bé sau bị bệnh là thịt gà hoặc thịt heo (nên cho bé ăn 1-2 ngày đầu sau khi hết bệnh), bò, cá, lòng đỏ trứng (trứng rán chín hoặc trứng luộc kĩ sẽ tốt cho bé).
 
4. Nguồn rau củ quả nên lựa chọn trong thức ăn dặm cho bé sau bị bệnh là củ (cà rốt, khoai lang, khoai tây), rau cho lá mỏng (đừng chọn rau cho lá quá dày, các bé mới bị tiêu chảy thì không nên cho bé ăn rau 1-2 ngày sau bệnh, nên lựa chọn củ), quả (bơ, đu đủ, thăng long, táo, nho).
 
5. Dành nhiều thời gian bên bé.

Nên dành nhiều thời gian bên bé
Nên dành nhiều thời gian bên bé
 
Những thực phẩm được khuyên trong chế độ ăn cho bé sau khi hết bệnh.
 
+ Gs. Bác sĩ dinh dưỡng. Jamieson-Petonic, GĐ Cleveland Clinic khuyên chế độ dinh dưỡng cho các bé sau khi bị viêm hô hấp trên nên là soup loãng cho vài ngày, nên chọn 1 số thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch và phục hồi vị giác cho bé như: thịt gà, cà rốt, hành tây (chỉ cho bé 8 tháng trở lên), cần tây.
 
+Ts. Bác sĩ dinh dưỡng. Annabel (Anh Quốc) khuyên nên thêm năng lượng cho bữa ăn của các bé sau khi bị viêm nhiễm phải dùng kháng sinh hoặc bị sốt. Nên chọn thực phẩm giàu năng lượng như tinh bột (có thể thử bún hoặc mì vì thường các bé sẽ mất vị giác với gạo/cháo), rau củ thì nên chọn loại củ (khoai lang, cà rốt, khoai tây), chất đạm nên chọn lòng đỏ trứng, thịt heo và cá, tránh dùng nhiều dầu trong bữa ăn của bé (nếu thêm dầu oliu vào bữa ăn thì chỉ nên 1 muỗng cafe/ngày, tuần không quá 5 ngày).
 
Hy vọng những bí quyết trên có thể giúp cha mẹ vượt qua cơn khủng hoảng sau khi bé hết bệnh. Đừng vội lo lắng, hãy chú ý những lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, gia đình và bé yêu sẽ trải qua những ngày “hậu hết bệnh” rất nhẹ nhàng.
 
Xuân Anh Lê 
.