Ngày 2/10, số liệu công bố của Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh cho biết, kể từ tháng 1, hơn 208.000 ca bệnh sốt xuất huyết đã ghi nhận trong đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất được ghi nhận tại nước này với 1.017 trường hợp đã tử vong, trong đó có hơn 100 trẻ em.

Theo báo cáo, dịch sốt xuất huyết thường đạt đỉnh điểm vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9, tuy nhiên năm nay số ca bệnh gia tăng mạnh vào cuối tháng Tư.

Các nhà khoa học cho biết, mùa mưa kéo dài với nhiệt độ cao hơn trung bình, kết hợp với lượng mưa lớn đã tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi vằn Aedes, thủ phạm lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

leftcenterrightdel
 Năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát trên khắp Bangladesh. Ảnh: Munir Uz Zaman/AFP/Getty.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Bangladesh quá tải, các bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu giường bệnh cũng như nhân viên y tế.

Đáng lưu ý, tỉ lệ tử vong do đợt bùng phát dịch hiện nay cao gần gấp 4 lần so với năm ngoái (281 trường hợp). 

Theo Bộ Y tế Bangladesh, chỉ riêng trong tháng 9, đã có hơn 79.600 ca bệnh được báo cáo và 396 trường hợp tử vong.

Bangladesh cũng đang lo ngại về khả năng bùng phát dịch bệnh vào những tháng lạnh hơn vào cuối năm. Năm ngoái, số ca sốt xuất huyết chỉ đạt đỉnh điểm vào tháng 10 và các ca tử vong tập trung vào tháng 11.

leftcenterrightdel
 Phun thuốc diệt muỗi bên ngoài bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Syed Mahamudur Rahman/NurPhoto/Getty.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết lưu hành ở hơn 100 quốc gia và mỗi năm có từ 100-400 triệu ca bệnh.

WHO cho biết, trước đây, các đợt bùng phát thường chỉ tập trung ở các trung tâm đô thị đông dân như thủ đô Dhaka, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người, nhưng năm nay, dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước, bao gồm khu vực nông thôn.

Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết cơ quan này đang tích cực hỗ trợ chính phủ Bangladesh và các địa phương của nước này trong việc tăng cường khả năng phòng, chống và kiểm soát dịch.

Văn Phong/CNN