(BVPL) - Hiện nay, tình dình dịch bệnh cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, số ca mắc tăng đột biến và tỷ lệ tử vong lên đến 40%. Trong đó các tỉnh như: Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta. Trước tình hình trên, chiều tối ngày 20/2 vừa qua, Bộ Y tế đã họp khẩn cấp để bàn các giải pháp đối phó với dịch cúm H7N9. Trước đó, chiều ngày 17/2, Bộ Y tế có công văn gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

 


Trước tình hình trên, nhằm phát hiện sớm ca bệnh trên người, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu mở rộng diện lấy mẫu, xét nghiệm cả những trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nhẹ; tăng cường giám sát dọc biên giới; cần thiết lấy mẫu thí điểm trên cộng đồng nhất là người buôn bán, vận chuyển, tiếp xúc gia cầm.

"Để song song đối phó 2 dịch, chúng ta cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Nguyên tắc không có dịch cúm trên gia cầm thì không có dịch trên người", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị 2 Bộ cùng kiến nghị để Chính phủ có công điện khẩn, giao ban chỉ đạo 389 ngăn chặn hàng lậu, nhập khẩu trái phép, hàng không rõ nguồn gốc tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt nhấn mạnh gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong khi ăn uống các loại gia cầm. Người dân chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Về phía các Sở Y tế, trước mắt chúng ta cần phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch.

Các tỉnh, thành phố cần khuyến cáo người dân đi hoặc đến vùng dịch bệnh cúm gia cầm cần chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

Ngoài ra, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch cấp sớm kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế và các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm để triển khai các hoạt động tăng cường giám sát, phòng, chống dịch chủ động; bố trí kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cấp, bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm, lây sang người và trên diện rộng.

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng loại cúm A (H7N9) từ người sang người.
 

Hữu Bắc

.