Viêm gan A là bệnh dễ dàng lây qua đường tiêu hóa, khi ăn phải thực phẩm bẩn chứa vi rút gây bệnh. Không chỉ 13 trường hợp tại Úc nhiễm bệnh do ăn hoa quả bẩn mà ở Việt Nam, nhiều ổ dịch viêm gan A đã xảy ra do tập quán sinh hoạt chưa khoa học của người dân.
Mới đây, 13 người Úc được chẩn đoán nhiễm viêm gan A sau khi ăn hỗn hợp trái cây đông lạnh của Công ty Patties Foods được trồng tại Chilê và Trung Quốc, trước khi được đóng gói tại một nhà máy ở Trung Quốc. Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Công văn gửi Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị rà soát và có các biện pháp kiểm soát các sản phẩm liên quan nói trên khi cần thiết.
Còn theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sự việc 13 người Úc được xác định viêm gan A khi ăn cùng một loại trái cây đông lạnh không phải là cá biệt.
“Bởi vi rút viêm gan A lây truyền qua đường ăn uống. Trái cây hay thực phẩm vì lý do nào đó bị vấy bẩn từ phân của người có vi rút viêm gan A (ví như nhiễm vào nước rửa, ô nhiễm nguồn nước và dùng nguồn nước này để ngâm trái cây, chế biến thực phẩm... khi ăn phải nó sẽ bị nhiễm”, BS Cấp nói.
Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh đến khám. Còn tại Việt Nam cũng đã từng ghi nhận những ổ dịch viêm gan A do ăn phải thực phẩm bẩn.
Như vụ dịch tại xã La Chiêm và Đắk Năng (TP. Kon Tum) năm 2013 với gần 90 người dân mắc cùng các triệu chứng là sốt, vàng da, vàng mắt. Bệnh lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị… và kết quả xét nghiệm đã xác định nhiều mẫu dương tính với vi rút viêm gan A tại ổ dịch này.
Qua điều tra môi trường cho thấy tình trạng vệ sinh môi trường còn không đảm bảo. Tại hai xã này, hầu hết người dân sử dụng nước giếng đào và hố xí đào. Trong khi đó, người dân nơi đây lại có tập quán uống nước lã từ nước giếng, ăn uống chưa hợp vệ sinh. Đây có thể là nguyên nhân lây truyền vi rút viêm gan A - bệnh lây qua đường tiêu hóa.
Bệnh viêm gan vi rút A (hay còn gọi là siêu vi A) là một bệnh nhiễm trùng ở gan do vi rút viêm gan A gây nên. Bệnh có thể gây ra các ổ dịch trong cộng đồng, đường lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Người bệnh có thể có những triệu chứng sốt, mệt mỏi, nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, đau bụng vùng hạ sườn bên phải… Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, song đa số các trường hợp là nhẹ, điều trị có thể khỏi hoàn toàn. Hiện cũng đã có vắc xin phòng bệnh viêm gan vi rút A.
Khi nhiễm vi rút viêm gan A, bệnh nhân mệt mỏi, tiêu chảy một chút, kém ăn, khó tiêu, có thể sốt nhẹ hoặc không sốt rõ nhưng hầu hết tự khỏi. Một số ít có thể tiến triển tình trạng vàng da, vàng mắt, xét nghiệm tổn thương men gan tăng, một số trường hợp nặng có thể có tình trạng suy gan cấp.
“Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa, chủ yếu là lây truyền đường phân - miệng nên việc đảm bảo vệ sinh nguồn nước, quản lý môi trường, nguồn phân không bội nhiễm ra môi trường là yếu tố quan trọng để phòng bệnh.
Vi rút viêm gan A là vi rút khá yếu, hoàn toàn có thể tiêu diệt nếu sử dụng hóa chất.
Viêm gan A thỉnh thoảng gặp, nó tự giới hạn, không trở thành mãn tính như B, C. Trong đợt bệnh nhân có biểu hiện cấp, vàng da vàng mắt, rối loạn chức năng gan thì khuyên bệnh nhân sử dụng chén bát riêng”, BS Cấp cho biết.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm viêm gan vi rút A, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, thực hiện ăn chín uống chín. Cần bỏ tập quán uống nước lã từ giếng đào. Trong thời điểm hiện nay khuyến cáo không tập trung ăn uống đông người ở vùng có nguy cơ xảy dịch.
Khi có người mắc bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành: vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, phân, chất nôn của người bệnh theo quy định. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho những người xung quanh về các biện pháp phòng bệnh.
Theo Dân trí