Bỏng nước sôi ở trẻ nhỏ thường chỉ ở mức độ 2 và không có tổn thương sâu. Nhưng việc chăm sóc vết bỏng sai cách, nhất là áp dụng các biện pháp dân gian bừa bãi dễ để lại biến chứng sẹo co rút, sẹo dính ngón cho trẻ nhỏ.
Dễ gây ra bội nhiễm vết thương
Trẻ nhỏ có tính tò mò thích khám phá, vì vậy cha mẹ chỉ bất cẩn một vài phút có thể hối hận. Trẻ cho tay vào nồi canh đang bốc khói, chạm vào cốc nước trên bàn gây đổ dẫn đến bỏng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO chia sẻ: “Trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ nhỏ rất dễ bị bỏng nước nếu như người lớn không để ý tới. Vì bản thân trẻ không biết được những mối nguy hiểm từ những vật dụng chúng đang muốn khám phá: Cốc nước nóng, tô cháo nóng, bình nước nước nóng lạnh, thau nước nóng, nồi canh… đều tạo ra nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Bỏng nước sôi ở trẻ thường chỉ ở độ 2 là bỏng sâu. Tuy nhiên, ngay từ lúc đầu, trẻ nhỏ không được điều trị đúng cách sẽ có thể dẫn tới vết thương bị ăn sâu vào bên trong dễ nhiễm trùng thậm chí là bội nhiễm”.
|
Bàn chân bé 2 tuổi bị biến chứng do bỏng nước sôi |
Rất nhiều trường hợp khi con bị bỏng, bố mẹ vội vàng dùng vôi hay kem đánh răng bôi lên vết thương, cách làm này có thể làm cảm giác đau rát dễ chịu hơn. Nhưng rất ít các mẹ biết trong vôi và kem đánh răng có chứa các hóa chất kiềm. Trong trường hợp bôi vôi, kem đánh răng vào vết bỏng gặp môi trường thuận lợi dễ gây ra biến chứng khác khiến cho vết bỏng thêm nặng.
Một số trường hợp trẻ nhỏ khi bị bỏng được gia đình dùng mỡ trăn để điều trị để làm dịu mát vết bỏng. Mỡ trăn rất mát nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mỡ trăn chữa lành vết bỏng. Hơn nữa nếu bôi mỡ trăn bảo quản không tốt đã bị nhiễm vi khuẩn sẽ khiến cho vết bỏng dễ bị nhiễm trùng.
Dễ gặp những biến chứng
Bỏng nước sôi là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ và thường gặp nhất vào mỗi dịp nghỉ hè. Khi trẻ bị bỏng cha mẹ thường tỏ ra hoảng hốt và lúng túng. Một số trường hợp cha mẹ áp dụng cách chữa bỏng theo phương pháp dân gian đã để lại những di chứng về thẩm mĩ.
“Những di chứng của bỏng nước do không được điều trị đúng cách thường để lại cho trẻ những sẹo xấu và thương tật vĩnh viễn như: sẹo co rút, sẹo dính ngón”, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, gần đây bác sĩ cũng tiếp nhận một trường hợp em bé 2 tuổi, bị bỏng nước sôi độ 2. Bé được gia đình đưa đến trong tình trạng có di chứng sẹo co rút nặng nề ở cổ bàn chân và các ngón chân. Em bé này đã được các bác sĩ tại bệnh viện tiến hành phẫu thuật cắt sẹo lồi, giải phóng cổ chân và các ngón co rút…
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ bị bỏng cần phải bình tĩnh xử lý vết thương đúng cách.
Bác sĩ Xuân Anh nói: “Nếu trường hợp bé bị bỏng nước sôi ở tay, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa trẻ ngay tới vòi nước xả rửa (tuyệt đối không xả nước đá) vào vùng da bị bỏng. Xả nước sẽ giúp cho da bớt nóng, bớt bị mất nước, bớt đau và giảm diện tích da bị thương, giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Sau khi xả nước, khoảng 15 phút thì bôi kem trị bỏng lên vùng da bị bỏng và dùng gạc vô trùng băng tách từng ngón tay”.
“Sau khi sơ cứu xong, tùy theo mức độ bỏng nặng hay nhẹ, diện tích rộng hay hẹp… để có hướng điều trị. Trong trường hợp bỏng nặng, gia đình cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất có thể để được bác sĩ điều trị. Đối với các trường hợp bỏng nhẹ hoặc nhà quá xa bệnh viện muốn điều trị tại nhà, cha mẹ cần phải thay băng rửa vết bỏng bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) và bôi kem trị bỏng hàng ngày. Sau đó băng vết thương lại để giữ độ ẩm cho da. Nếu chăm sóc đúng cách như trên chỉ sau 2 tuần vết bỏng sẽ lành và ít để lại sẹo”, Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh chia sẻ.
Theo Em đẹp