Theo đó, thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên,... F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng, gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
|
|
Quận Tân Phú triển khai xe lưu động tiêm tại nhà cho người cao tuổi. (Ảnh: HCDC) |
Theo hướng dẫn, khi nhận cuộc gọi báo tình trạng F0, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi như khó thở, tím tái, lơ mơ... để quyết định đưa xe vận chuyển tới nhà người dân. Trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy như mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Trường hợp xe đã được huy động cho ca cấp cứu khác, tổ gọi 115 để được hỗ trợ.
Qua thăm khám, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nhanh tình trạng người bệnh. Nếu người bệnh chỉ số SpO2 trên 97%, không có dấu hiệu bất thường thì theo dõi sức khỏe tại nhà; SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họp, đau ngực... phải thở oxy qua mũi, đưa vào các cơ sở cách ly tập trung F0. Người bệnh SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức thì phải thở qua mặt nạ và đưa vào khu vực cấp cứu của khu cách ly tập trung F0 hoặc các bệnh viện dã chiến.
Người bệnh nguy kịch như tím tái, hôn mê, ngưng thở, tổ phản ứng nhanh sẽ cho thở oxy qua mặt nạ hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản và vận chuyển đến bệnh viện gần nhất. Khi ấy tổ phản ứng nhanh cũng đồng thời gọi Tổ Điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng thuộc Sở Y tế để hỗ trợ khẩn cấp chuyển người bệnh để tầng điều trị phù hợp.
Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, Trạm Y tế địa phương phải cập nhật hành động xử trí và kết quả xử trí vào phần mềm Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19 để báo cáo thông tin sức khỏe người bệnh.
TP HCM cũng đã triển khai hệ thống cấp cứu 115 đến từng cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện, các khu dân cư nhằm kịp thời vận chuyển đến các bệnh viện những bệnh nhân có triệu chứng, diễn tiến nặng để can thiệp điều trị sớm nhằm làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong.
Từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8, TP HCM ghi nhận 4.231 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, tính đến ngày 14/8, TP HCM ghi nhận 147.245 trường hợp. Hiện đang điều trị 32.293 bệnh nhân, trong đó: có 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13/8: có 3.417 bệnh nhân xuất viện, 285 trường hợp tử vong trong ngày.
Danh sách 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 tại nhà xem tại đây./.