Một khi virus HIV xâm chiếm một tế bào của người, nó sẽ cư trú ở đó mãi mãi. Virus sẽ chèn bộ gen nguy hiểm chết người của mình vào ADN của các nạn nhân, buộc họ phải nhờ cậy việc điều trị y tế suốt phần đời còn lại.

 


"Đây là một bước quan trọng trong con đường tiến tới việc chữa trị vĩnh viễn bệnh AIDS. Đây là khám phá thú vị, nhưng vẫn chưa sẵn sàng cho việc áp dụng ở các bệnh viện. Nó là bằng chứng cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng", giáo sư, tiến sĩ Kamel Khalili, chủ nhiệm Khoa Sinh học thần kinh tại Đại học Temple, nói.

Trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, tiến sĩ Khalili và các cộng sự đã đề cập chi tiết cách họ tạo ra công cụ phân tử để loại bỏ ADN nhiễm HIV-1. Khi được triển khai, một enzyme cắt ADN có tên gọi nuclease (enzyme xúc tác phân hủy các axit nucleic) Cas9 kết hợp với một dải ARN có tên gọi ARN dẫn đường (gRNA) sẽ truy lùng bộ gen của virus và loại bỏ ADN của HIV-1.

Từ đây, cơ chế hồi phục gen của tế bào sẽ đảm nhiệm trọng trách hàn gắn các đầu lỏng lẻo của bộ gen với nhau, dẫn đến các tế bào không còn virus. "Vì hệ miễn dịch không bao giờ xóa sạch được HiV-1, nên để chữa trị được bệnh cần phải thải loại virus trước tiên", tiến sĩ Khalili giải thích.

Công cụ phân tử như thế này cũng hứa hẹn giúp mang tới một vắc-xin trị liệu, do các tế bào được trang bị hỗn hợp nuclease - ARN đã chứng minh "miễn nhiễm" với HIV.

Hiện trên khắp thế giới có hơn 33 triệu người mang trong cơ thể mầm bệnh AIDS. Mặc dù liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao (Haart) đã kiểm soát được HIV-1 ở những người nhiễm virus tại các nước đang phát triển suốt 15 năm qua, nhưng virus có thể hoành hành trở lại nếu có bất kỳ gián đoạn nào về chữa trị.

Thậm chí, việc sao chép mức độ thấp của virus HIV ở cơ thể người nhiễm còn khiến "khổ chủ" nhiều khả năng bị mắc các bệnh liên quan đến quá trình lão hóa, chẳng hạn như bệnh suy cơ tim, suy chức năng thận, loãng xương, ... hơn.

 

Theo Vietnamnet/DailyMail

 

.