Tiếp nhận bệnh nhân được chẩn đoán vết thương phức tạp vùng cổ phải theo dõi chấn thương cột sống do kéo đâm, trong tình trạng sốc, đau, mất máu từ bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, các bác sĩ khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ định bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, tiêm phòng uốn ván, kháng sinh và tiến hành các xét nghiệm cấp cứu.

Cuộc hội chẩn khối Ngoại được thiết lập giữa các chuyên khoa: Ngoại, Sọ mặt và tạo hình, Ngoại thần kinh, Ngoại mạch máu , Tai-mũi-họng với tình trạng bệnh nhân và hình ảnh CT Scanner 2 mũi kéo đi theo 2 hướng khác nhau vào vùng góc hàm sàn miệng, đi xuyên qua hệ thống mạch máu, thần kinh và dừng lại khi cắm vào thân đốt sống cổ C2, lưỡi kéo chạy sau nằm sát động mạch cảnh trong bên phải…, các bác sĩ đi đến quyết định: Bé Huy được chỉ định mổ cấp cứu tối cấp. Quá trình từ lúc nhập viện đến khi bé được đưa lên phòng phẫu thuật chỉ diễn ra trong 1h đồng hồ.

leftcenterrightdel
 Cháu Huy đã được chuyển lên khoa Sọ mặt-Tạo hình để tiếp tục theo dõ.

Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm - Trưởng khoa Sọ mặt và tạo hình thẩm mỹ, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết, tai nạn vật sắc nhọn đâm vào vùng đầu mặt cổ là tai nạn sinh hoạt thương tích hy hữu ở trẻ em. 

Vùng đầu mặt cổ là nơi có hệ thống mạch máu và thần kinh rất phức tạp do vậy với vết thương do vật sắc nhọn đâm vào thì nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng với tỷ lệ rất cao. Trong trường hợp của cháu Huy, rất may mắn hệ thống động mạch cảnh không bị tổn thương nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ca phẫu thuật kéo dài 2h, bác sĩ đã lấy được dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhi, các mạch máu, cơ và thần kinh tổn thương được khôi phục, vùng vạt da bị tổn thương được xử lý bằng kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ, để giúp cháu phục hồi tốt về chức năng và thẩm mỹ.

Sau mổ, bệnh nhân được chuyển về Hồi sức Ngoại tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau một ngày hồi sức tích cực cháu đã tỉnh trở lại và chuyển lên khoa Sọ mặt Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục theo dõi và điều trị. 

leftcenterrightdel
 Hình ảnh cây kéo đâm vào cổ bệnh nhi trên phim chụp Xquang.

Theo bác sĩ Thơm, những ngày sau mổ bệnh nhân sẽ còn đau vùng cổ khi vận động mạnh, các hoạt động đang trở lại bình thường, dần hồi phục và có thể ra viện trong mấy ngày tới.

Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn sinh hoạt và thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. 

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người lớn là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên.

“Không chỉ cha mẹ là người luôn bảo vệ các con, mà chính bản thân các em cũng cần được hướng dẫn cách bảo vệ và phòng trành nguy cơ khi cầm hay sử dụng các vật sắc nhọn, luôn có ý thức và trách nhiệm tự bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm rình rập trong suốt cuộc đời” - bác sĩ Đặng Hoàng Thơm cho hay.

 
Huân Thu