Cứ 3 người Singapore thì có một bị ung thư
Cập nhật lúc 23:11, Thứ hai, 05/06/2017 (GMT+7)
Tại Singapore và nhiều nước phát triển, cứ 3 người thì sẽ có một người mắc ung thư ở thời điểm nào đó trong cuộc đời. (Singapore , Xạ trị, ung thư)
Tại Singapore và nhiều nước phát triển, cứ 3 người thì sẽ có một người mắc ung thư ở thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Có phải xạ trị gây nhiều tác dụng phụ?
Xạ trị là dùng bức xạ năng lượng cao, thường là tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ sẽ tính toán việc phân loại và liều lượng bức xạ cho mỗi bệnh nhân nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư và gây tổn hại ít nhất đến các tế bào bình thường.
Trước đây vùng xạ trị rất rộng khiến bệnh nhân chịu nhiều đau đớn. Đặc biệt bệnh nhân ung thư vùng đầu mặt cổ sau xạ trị thường không ăn uống, không nuốt được nước bọt... Hiện các dòng máy xạ mới tập chính xác vào khối u, hạn chế ảnh hưởng đến vùng xung quanh. Kỹ thuật xạ trị cắt lớp giúp tăng tính chính xác hơn so với các kỹ thuật chỉnh hình 3 chiều trước kia, giảm tác dụng phụ.
Hóa trị liệu đã lỗi thời?
Hiện có nhiều phương pháp mới giúp điều trị ung thư hiệu quả như tìm yếu điểm gen, nhắm trúng đích, miễn dịch, giúp bệnh nhân uống thuốc viên thay vì truyền hóa chất. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng trị liệu miễn dịch hay trúng đích nên hóa trị vẫn phát huy vai trò rất lớn. Những dòng thuốc hóa trị hiện nay đã giảm đáng kể tác dụng phụ, nhiều bệnh nhân vô thuốc xong có thể về trong ngày và làm khoảng 80% công việc bình thường.
Ung thư nếu phát hiện giai đoạn trễ thì không nên hóa trị vì sẽ chết nhanh hơn?
Ung thư phát hiện giai đoạn sớm tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất lớn. Ở giai đoạn trễ, điều trị có thể giúp kéo dài thời gian sống chất lượng. Khi truyền thuốc mặc dù có một số tác dụng phụ nhưng tế bào ung thư được kiểm soát. Nếu không khống chế, các tế bào ung thư tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh gây đau đớn đến tận lúc bệnh nhân qua đời.
Nếu ung thư đã di căn thì điều trị như thế nào?
Điều quan trọng trong chẩn đoán là phải xác định ung thư bắt nguồn từ đâu. Ví dụ nhiều người cho rằng ung thư vú của họ đã trở thành ung thư phổi, ung thư xương. Đây là nhầm lẫn thường gặp. Ung thư vú không trở thành ung thư phổi, ung thư xương. Ung thứ vú vẫn là ung thư vú, chẳng qua là di căn sang phổi và xương, đáp ứng với thuốc vẫn theo cách của tế bào ung thư vú.
Liệu pháp điều trị trúng đích và liệu pháp miễn dịch có hiệu quả như thế nào?
Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích khá mới mẻ và khác biệt so với các liệu pháp truyền thống, sử dụng các loại thuốc để xác định và tấn công các tế bào ung thư một cách chính xác nhất mà ít gây thiệt hại cho các tế bào bình thường khác. Biện pháp điều trị này giúp ức chế các dấu hiệu đột biến do ung thư gây ra, từ đó kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Liệu pháp miễn dịch được xem là thành tựu đột phá, sử dụng hệ thống miễn dịch cá nhân để tấn công các tế bào ung thư nghiêm trọng. Tế bào ung thư có khả năng “ngụy trang” khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh không thể phát hiện để tiêu diệt chúng. Với liệu pháp này, các hàng rào bảo vệ do tác nhân gây ung thư hình thành để tự bảo vệ mình khỏi hệ miễn dịch sẽ bị phá vỡ, bảo vệ cơ thể trong thời gian dài.
Công nghệ giải trình tự thế hệ mới có giúp việc điều trị tốt hơn?
Các bác sĩ Singapore hiện có thể giải mã hơn 300 gen liên quan ung thư. Công nghệ giải mã trình tự DNA cho phép các bác sĩ kiểm tra mẫu gen liên quan đến ung thư trong một mẫu sinh thiết ung thư nhỏ, từ đó chọn liệu pháp điều trị nhắm trúng đích phù hợp. Công nghệ này hứa hẹn kỷ nguyên đột phá mới trong y học.
Theo Lê Phương/vnexpress
.