Vì đâu thể hình người Việt Nam ngày nay có đến mấy trạng thái khó chấp nhận?

 

Một, do gien di truyền (bên cạnh ưu điểm là sức đề kháng, chịu đựng cao vì gần gũi thiên nhiên). Gien như vậy nhưng chúng ta lại bế quan tỏa cảng lâu dài, không có chiến lược cải thiện gien giống nòi bằng những cuộc lai giống có tính chiến lược tầm quốc gia.

 


Một thời kỳ dài người Việt không được yêu, không được lấy người nước ngoài. Những cuộc hôn nhân phối giống tuy không thể nhiều nhưng vẫn có tác dụng cải thiện gien và nếu được kéo dài hàng thế kỷ thì nhất định gien sẽ được cải thiện.

Lấy chồng nước ngoài (dù bằng tình yêu chân thực) không bị cấm đoán thì cũng bị nhìn nhận thiếu thiện cảm. Gọi là người Mỹ, người Đức nhưng thực ra trong họ trộn lẫn rất nhiều dòng máu ngoại lai châu Phi, châu Âu, kể cả châu Á.
        
Hai, suy dinh dưỡng kéo dài với nhiều mức độ khác nhau do chiến tranh, do kinh tế và mức sống thấp. Chưa nói nhiều vùng còn thiếu ăn, không chỉ gạo mà thiếu ngay cả ngô khoai sắn, nói gì sữa hay thức ăn tốt cho phát triển cơ thể.

Theo số liệu của Viện dinh dưỡng, người Việt chỉ uống bình quân 6 lít sữa mỗi năm (dù thế, uống sữa vẫn là xa xỉ với đại đa số) trong khi người Thái Lan là 23 lít/năm, Trung Quốc 25 lít/năm. Giá sữa của ta không hiểu sao (có lẽ phải cõng nhiều phí bôi trơn và trung gian) lại cao nhất thế giới.
 

 Nếu lấy bài học từ Nhật Bản thì gái Việt lấy chồng Tây chẳng phải là điều tốt sao? (Ảnh: ca sĩ Đoan Trang và chồng Tây)
Nếu lấy bài học từ Nhật Bản thì gái Việt lấy chồng Tây chẳng phải là điều tốt sao? (Ảnh: ca sĩ Đoan Trang và chồng Tây)


Ba, thực phẩm bẩn tràn lan, đặc biệt là có can thiệp của hóa chất độc hại từ Trung Quốc. Nếu độc giả nào còn hồ nghi hay muốn tìm hiểu thêm về chuyện này xin chịu khó đọc báo hoặc đọc kỹ cuốn Chết dưới tay Trung Quốc của Peter Navarro and Greg Autry, hai nhà báo Mỹ (bản điện tử có ở đây: https://sites.google.com/site/vanhocfamily/cht-di-tay-trung-quc).

Chẳng những thức ăn thức uống không sạch mà còn độc hại, có tác dụng hủy hoại giống nòi, đến nơi ngồi ăn, đứng ăn, đồ đựng, cách rửa ráy, chế biến phần nhiều khả nghi.

Bốn, ăn nhiều quá. Vâng, trong khi nông dân, công nhân và sinh viên, cán bộ nghèo thiếu ăn thì nhiều người, trong đó có không ít người cướp được “tiền chùa” đã đành mà sinh viên, người lao động nghèo cũng khá đông, ăn uống ngày dài lại đêm thâu, bia chảy như suối, rượu đế nốc không kịp rót.

Không tin xin hãy dạo phố Hà Nội, Sài Gòn. Hầu như chỗ nào, lúc nào cũng thấy nhậu, thấy ăn. Nguy hại phần đông đều là lớp trẻ. Ăn như vậy là cách nhanh nhất để mập mà không khỏe, làm ra những cái bụng ỏng, những cái đầu hói và trống rỗng, những cánh tay ẽo ợt, những cỗ máy sinh sản thiếu và yếu tinh trùng, tiền đề cho một lớp con cháu thiểu năng trí tuệ hoặc bệnh tật.

Năm, lười vì mất cảm hứng. Vâng, dân tộc có tiếng là cần cù, chăm chỉ. Nhưng lại “một bộ phận không nhỏ” do thừa hưởng của trời cho nên không làm gì mà vẫn giàu, không động tay chân trí nào mà ăn mấy đời không hết.

Họ lấy hưởng lạc làm mục đích đi tu, lấy “vui là chính” làm lẽ sống. Họ ăn, đi chơi, nghe nhạc, xem chân dài trên sân khấu mỗi lúc có dịp, sẵn sàng tham gia mọi trò du hí dù có tốn sức tốn của, trừ tập thể dục, thể thao. Xem thành tích điền kinh và nhất là bóng đá của nước Việt, ai cũng thấy mức độ rèn luyện của người mình như thế nào.

Trẻ em được nuông chiều như tất cả đều là “em chã”, bố mẹ cho “bú sữa từ thuở ấu thơ đến tuổi già” như trong một câu thơ quảng cáo vú sữa của Maiakovsky. Những trung tâm thể dục buổi sáng, buổi tối thường gồm người già, những người không sinh sản, không làm việc và chỉ còn việc duy nhất là tìm cho mình một cuộc sống khỏe mạnh để trốn chạy cái chết.

Thanh niên ư? Chúng tôi không vội. Nguyên nhân sâu xa là thanh niên không có cảm hứng xã hội, không có niềm vui và ý chí chăm lo hình thể của mình, có vẻ như có hơn một thế hệ không nghĩ rằng mình đang hoặc sẽ là chủ nhân ông của đất nước. Ai đã làm cho họ như vậy?

Sáu, stress. Thanh niên dán mông vào ghế, dán mắt vào màn hình, nút tai lại nghe nhạc trong đó có người do sở thích, nhu cầu công việc hay kiếm sống, nhưng rất nhiều người là đệ tử của games và buôn dưa lê qua NET, vô tình hủy hoại sức đề kháng mà trời và cha ông cho chúng ta như một gia tài quý báu.

Đây là sản phẩm có vẻ bất khả kháng của thời đại công nghiệp hóa, thông tin hóa, nước nào cũng nếm mùi. Nhưng xem ra, thanh niên chúng ta đang hăng hái hơn cả chọn mặt tiêu cực của mấy cái “hóa” ấy mà lao vào như thiêu thân không sợ đèn.

Vì đâu thể hình người Việt Nam ngày nay có đến mấy trạng thái khó chấp nhận?
 


Năm 1945, chúng ta, người Việt còn gọi lính Nhật phát xít là “Nhật lùn”. Đến bây giờ, sau chỉ hơn nửa thế kỷ, chiều cao đàn ông Nhật đã tăng lên 10cm (1,71m) và họ đã cao hơn đàn ông Việt 9cm (1,62)!

Người Nhật đã làm nên quá nhiều điều kỳ diệu, một trong số đó là nâng được chiều cao của dân tộc lên gần kịp với châu Âu, châu Mỹ. Họ làm điều ấy đâu phải chỉ vì yêu Cái Đẹp cơ thể mà chính vì sự hùng mạnh mọi mặt và thể diện của quốc gia, dân tộc Nhật.

Vâng, nếu người Nhật có thể nâng tầm vóc của dân tộc cao hơn 10cm sau mấy chục năm sau kết thúc thế chiến II, thập kỷ cuối cùng thế kỷ 20, Trung Quốc, Thái Lan nâng được 2cm chiều cao, cùng thời gian đó nước ta chỉ nâng được 1cm thì quả thật còi cọc đâu phải trời cho?

Còi cọc hay cao lớn là trong bàn tay chúng ta, trước hết là trách nhiệm của những người dắt dẫn và chăm lo sức khỏe dân chúng, sự tồn vong của giống nòi. Bài học tăng cường sức mạnh thể hình (và cả linh hồn) của một quốc gia đầy rẫy. Chỉ có điều là chúng ta có chịu học hay không mà thôi.

Một trong rất nhiều phương pháp chống còi cho nòi giống của người Nhật có thể coi là một biểu tượng. Đó là trẻ em mẫu giáo của Nhật có giờ thể dục cởi trần chạy bộ ngoài trời bất kể thời tiết nào kể cả băng tuyết. Một hành động điển hình cho sự rèn luyện cơ thể “từ thuở lọt lòng”.

Người Nhật thường nói như đùa mà làm thật: “Đưa bọn trẻ tới trường mầm non là để chúng ốm”. Phải chăng đối với họ, ốm là dịp tốt nhất để miễn dịch, để kiến tạo một cơ thể lành mạnh về sau. Trẻ con của Nhật được dạy và làm việc vặt trong nhà, điều này các gia đình nông dân ta đã buộc phải làm nhưng cứ 3 trẻ nông dân thì vẫn có 1 đứa còi cọc bởi vì làm mà ăn không đủ. Người Nhật có điều kiện hơn, một cốc sữa tối thiểu hàng ngày là bắt buộc với trẻ em Nhật và họ đã thực hiện được.

Chiến lược nâng cấp thể hình và thể lực giống nòi không thể đề cập hết trong một bài báo. Có lẽ chỉ một câu bao trùm người ta vẫn luôn nói, luôn “nghị quyết” nhưng chưa làm được hoặc làm chưa đến nơi: “dân là gốc”.

Nếu coi dân là gốc thì sự tồn vong của giống nòi, đất nước phụ thuộc vào cái gốc. Nó phải được vững bền, khỏe mạnh và đầy sức sống chứ không phải béo phì nhưng dễ mục.

 

Theo Tạp chí Duyên dáng Việt Nam

.