(BVPL) - Lâu nay, nhiều người khi nhắc đến những câu chuyện tình nơi công sở vẫn thường buông một câu: “Ôi dào, chuyện thường ngày ở huyện!”, có nghĩa là người ta đã mặc nhiên công nhận cái chuyện tình tang ngoài chồng, ngoài vợ vốn được coi là trái với luật pháp, đạo lý này như một nhu cầu tất yếu ở chốn công sở.
Hệ lụy khôn lường khi “cái kim trong bọc” không nằm yên
Hai câu chuyện trên chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện về những cuộc ngoại tình của những người cùng công sở với thiên hình vạn trạng. Điều xảy ra đằng sau nó đầy nước mắt khổ đau thậm chí có người đã tìm đến cái chết mới mong thoát khỏi sự dày vò, tủi nhục. Biết là không hợp với thuần phong mỹ tục, biết là sai trái, vậy tại sao hiện nay, chuyện tình công sở, nơi người ta chủ yếu đến để làm việc, nhận lương hàng tháng về nuôi gia đình lại diễn ra nhiều chuyện tình éo le và ở một mặt nào đó là trái với luân thường đạo lý đến vậy?
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, người đã có 15 năm đối mặt với hàng nghìn câu chuyện éo le mà độc giả cần tư vấn cho biết: Tình yêu công sở thực sự không còn là chuyện lạ, nó có không riêng gì ở Việt Nam mà là xu hướng toàn cầu. Nguyên nhân cũng dể hiểu: Ngày nay, phụ nữ đi làm ngày càng nhiều, đó là cơ hội gặp gỡ, giao tiếp nhiều hơn với các đồng nghiệp nam.
Theo quan sát của ông, đa số ngoại tình công sở là đàn ông có vợ với đàn bà có chồng và các cô gái chưa chồng. Thường thì người đàn ông có vợ có sức hấp dẫn vì nhiều kinh nghiệm, chững chạc. Là người có chức vụ, có nhiều tiền thì tỉ lệ ngoại tình càng cao. Những người phụ nữ ở một mặt nào đó cảm thấy mình được dìu dắt, giúp đỡ, che chở nên rất dễ có cảm tình. Anh thanh niên chưa vợ thì rụt rè, còn người có vợ thì nói những câu nửa đùa nửa thật ví dụ: "Cả đêm qua mất ngủ vì em!" nhưng thường lại chiếm được cảm tình với phụ nữ.
Mặc khác, những người cùng công sở, cùng nghề nghiệp nên hiểu nhau hơn trong khi đó vợ chồng lại ít người làm cùng nghề. Đồng sự hiểu nhau, giúp đỡ nhau hơn, chia sẻ những vui buồn trong công việc rồi buổi trưa đi ăn với nhau, đi uống cà phê với nhau, những cuộc liên hoan, hát hò mừng công việc, dự án thành công, rồi những chuyến đi công tác cùng nhau… những cái đó tạo điều kiện tiền đề cho xích lại gần nhau về mặt tình cảm.
Đặc biệt, trong gia đình, vì những lý do khác nhau, người chồng thường quên mất nhiệm vụ của mình, cái mà thời đang yêu họ làm rất tốt, đó là sự khen ngợi, chiều chuộng, âu yếm, chia sẻ đối với người vợ. Đi làm về mệt người đàn ông đã lăn ra ngủ, người vợ đang nói dở một câu chuyện đã thấy ông chồng… ngáy khò bên cạnh. Trong khi đó nơi công sở, anh chàng sẵn sàng ngồi lắng nghe cả buổi (dù có khi anh ta chỉ nghe bằng mắt hoặc bằng… tay), khen ngợi chiếc váy chị mặc đẹp, nói những câu đùa hài hước khiến chị cười, bao nhiêu chuyện ấm ức trong lòng như được buông ra cả. Đặc biệt bây giờ, điều kiện để tình yêu công sở nảy nở là vì có quá nhiều chỗ để họ có thể đến tâm sự và nảy sinh nhục cảm giữa hai người khác giới. Nhà nghỉ tràn lan, cà phê ôm, cà phê "chuồng" đầy rẫy, giá rẻ, thậm chí chỉ tính theo giờ. Tranh thủ giờ trưa, tranh thủ giờ hành chính, tranh thủ giờ tan tầm chờ hết tắc đường… là anh chị có thể dắt nhau đến một nơi riêng tư, kín đáo.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, ông đã đúc kết rằng, hiện nay có mấy xu hướng xã hội đang gia tăng theo cấp số nhân: ngoại tình gia tăng, ly hôn gia tăng và sống độc thân gia tăng. Trên thực tế, chuyện tình công sở khiến cho năng suất lao động giảm sút dù số lượng người háo hức, tìm thấy niềm vui nơi công sở là khá nhiều. Có những người phụ nữ gọi điện thoại xin tư vấn nhưng chỉ hỏi mỗi một lý do là không hiểu chồng chị vì sao lại yêu công việc hành chính của cơ quan đến thế, tối mịt nửa đêm mới về nhưng sáng ra mới 6 giờ đã thấy dậy đánh răng rửa mặt rồi líu lo hát ca dắt xe đi làm. Sau này, tìm hiểu thì chị phát hiện, anh chồng có "tư tình ngoại ý" với một cô bé vừa mới được tuyển dụng vào phòng của anh ta.
Tuy nhiên, có một thực tế rất phũ phàng mà hầu hết những người ngoại tình, đặc biệt là phụ nữ, là sau những đam mê về tinh thần và thể xác, họ thường không lường trước được những hậu quả và hệ lụy của nó. Bởi vì “tuổi thọ” trung bình của những cuộc ngoại tình chỉ từ 1 đến 2 năm, khả năng tan vỡ là rất cao. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng thòi ra. Ngoại tình chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn.
Rất ít người ngoại tình mà lấy nhau vì họ hoàn toàn biết rằng, có về ở với nhau thì người mới cũng không hơn gì, thậm chí có thể tệ hơn người chồng, người vợ cũ của mình. Khi tan vỡ thì mất việc, mất tình cảm, mất gia đình. Có những đôi sau đó thì không muốn nhìn mặt nhau vì thù ghét nhau và mỗi người lại vất vả đi tìm một công việc mới. Đấy là chưa kể những đàm tiếu của đồng nghiệp, bạn bè, gia đình khiến cho giá trị của con người bị hạ thấp.
Tôi có một chị bạn làm việc tại một công ty nước ngoài. Dù đã chồng con nhưng chị lại có duyên với nhiều anh chàng. Và tiếng sét ái tình đã đến cùng một đồng nghiệp nam chưa vợ kém chị hai tuổi. Tin vào tình yêu mãnh liệt và những lời hứa hẹn, thề nguyền của "phi công trẻ" nên chị đã nhanh chóng làm thủ tục ly hôn chồng để mong tiến tới hôn nhân cùng "người trong mộng". Éo le thay, khi "phi công trẻ" dắt chị về ra mắt bố mẹ thì bị phản đối kịch liệt và bố mẹ anh chàng quyết sẽ từ con nếu dẫn "mẹ con con đó về". Vậy là mọi sự vỡ tan. Giờ thì chị ôm con một mình, còn đồng nghiệp trẻ đã có vợ. Người chồng cũ của chị cũng đã cưới được một cô vợ trẻ tân thời. Chị ngậm đắng nuốt cay nuôi con một mình trong đau khổ, tan nát.
Gặp lại chị, hỏi chuyện tình yêu chị chỉ cười xa xót: Chị đã phải trả một cái giá quá đắt cho những phút nông nổi vì tình yêu mù quáng của mình. Chị nhận ra rằng, lúc ngoại tình, tức là mình được hưởng cái phần comple, cà vạt, trong khi làm vợ, tức là chuốc lấy áo may-ô, quần đùi. Nhưng xét cho cùng, đôi khi chính cái giản dị nhất như tình nghĩa vợ chồng, nghĩ về con, chăm lo con cái thành đạt chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người mẹ, người vợ. Bây giờ đơn lẻ một mình nuôi con, chị ngậm ngùi thèm khát một mái ấm gia đình, một điều ước mơ giản dị mà chị đã để tuột khỏi tầm tay giữ…
(Theo ANTG)