Trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, viêm phổi do nhiều nguyên nhân, vi khuẩn, virus hoặc nấm.

Biểu hiện ban đầu của viêm phổi là sốt, ho, khạc đờm, thở nhanh; Nếu sức đề kháng kém, không được điều trị kịp thời và hiệu quả có thể dẫn tới suy hô hấp, thậm chí tử vong. Diễn biến của viêm phổi thường rất nhanh, vài ngày, thậm chí vài giờ, đặc biệt là viêm phổi do nguyên nhân virus.

Những người có nguy cơ mắc viêm phổi, nếu mắc cũng rất dễ có biến chứng đó là người già và trẻ em; Đặc biệt ở những người có thể trạng kém, suy dinh dưỡng, có bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi mạn, ung thư...

Để phòng bệnh, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, theo bác sĩ Khiêm cần phải giữ ấm, tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, ăn uống đủ chất, đủ vitamin, uống đủ nước.

leftcenterrightdel
 Bs khám cho bênh nhân viêm phổi, suy tim. Ảnh CTV

Thông thoáng không khí môi trường sống, tránh dùng điều hoà quá lạnh (thường trên 25 độ), tránh những nơi đông người, thông khí kém. Ngoài ra, mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với bề mặt các vật dụng công cộng.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo người dân nếu có các biểu hiện ho, sốt, khạc đờm, thở nhanh, khó thở... nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị. Tránh tình trạng người dân tự chẩn đoán, tự mua thuốc sẽ làm bệnh trầm trọng hơn hoặc có thể lây nhiễm cho những người trong gia đình.

“Với trẻ em cần được hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân, loại bỏ các thói quen xấu như đưa tay vào miệng, ngoáy mũi... đó là những con đường có thể đưa vi khuẩn, virus vào cơ thể” - bác sĩ Khiêm cho hay.

Lưu Ly