Lò vi sóng là món đồ gia dụng phổ biến trong bếp của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên có một số nguyên tắc mọi người cần ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng thiết bị này, theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân.
 
Không phải thực phẩm nào cũng có thể cho vào lò vi sóng
 
Theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ - Viện An toàn thực phẩm, lò vi sóng hiện đã trở thành một thiết bị rất quen thuộc của các gia đình, được dùng để hâm nóng, rã đông, nấu chín, sấy hay nướng các loại thực phẩm. Tuy nhiên, khi sử dụng lò vi sóng, người dùng cũng cần phải chú ý một số nguyên tắc để vừa an toàn vừa đảm bảo giữ được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
 
Tiến sĩ Lâm Văn Mân (bên trái) - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ - Viện An toàn thực phẩm
Tiến sĩ Lâm Văn Mân (bên trái) - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ - Viện An toàn thực phẩm
 
Thời gian qua có nhiều ý kiến lo ngại về sự thay đổi thành phần, cấu trúc hoá học của thực phẩm nấu trong lò vi sóng. Người ta cho rằng những thay đổi này nếu có sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, thậm chí có thể gây ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy các lo ngại này là không có căn cứ. 
 
Việc làm nóng thực phẩm bằng lò vi sóng giúp giữ chất dinh dưỡng tốt hơn khi so sánh với các phương pháp nấu truyền thống như luộc, hấp hay rán do nấu trong lò vi sóng thời gian nấu ngắn, nhiệt độ không quá cao và không bổ sung thêm nước.  
 
Một số mẹo nhỏ khi sử dụng thực phẩm trong lò vi sóng
 
Sử dụng lò vi sóng đúng cách để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
Sử dụng lò vi sóng đúng cách để bảo vệ sức khỏe cả gia đình. 

 

Hầu hết các loại thực phẩm đều có thể hâm nóng hay nấu trong lò vi sóng, tuy nhiên một số loại thực phẩm dưới đây thì cần phải đặc biệt lưu ý khi sử dụng lò vi sóng:

 
- Trứng: Khi làm chín trứng trong lò vi sóng, trứng sẽ dễ bị nổ do sóng vi ba làm các phân tử nước trong trứng dao động, sinh nhiệt và làm áp suất bên trong tăng cao, dẫn đến trứng bị nổ. Vì vậy, nếu dùng lò vi sóng để làm chín trứng, trước hết cần phải đục một vài lỗ nhỏ trên bề mặt vỏ trứng và chỉ nên làm chín trứng ở chế độ năng lượng thấp. Các loại thực phẩm có vỏ dày, cứng, dai như hạt dẻ, khoai tây, cà chua... cũng cần phải bỏ vỏ trước khi đưa vào lò vi sóng.
 
 
- Nước: Nếu làm sôi nước bằng lò vi sóng cần hết sức chú ý đến chọn thời gian đủ để nước sôi. Tuỳ theo lượng nước và mức năng lượng của lò vi sóng mà chọn thời gian sao cho phù hợp. Có thể bắt đầu đặt thời gian từ 1 đến 2 phút, sau lặp lại cho đến khi nước sôi.
 
Nên cho thêm một chiếc thìa gỗ, đũa gỗ hay một chút đường vào trong cốc nước trước khi gia nhiệt để tránh hiện tượng nước bị quá nhiệt khi đun trong lò vi sóng (nhiệt độ nước vượt quá nhiệt độ sôi) sẽ dẫn đến hiện tượng nước bị bùng lên khi đưa ra khỏi lò, gây bỏng.
 
Lưu ý cần mở cửa lò vi sóng và chờ một chút trước khi lấy nước ra khỏi lò nhằm giúp cân bằng nhiệt độ và áp suất giữa bên trong với bên ngoài. Cũng không nên cho cà phê hoà tan vào ngay cốc nước sôi vừa lấy ra khỏi lò vi sóng vì có thể gây bùng, bắn nước và gây bỏng.
 
Bên cạnh đó, khi hâm nóng thực phẩm như sữa, cà phê cũng cần lưu ý đến thời gian vi sóng sao cho vừa đủ nóng để không xảy ra hiện tượng bị tràn khi sôi. Không được để sữa, cà phê hoặc các chất lỏng trong chai lọ lắp kín khi vi sóng vì áp suất tạo ra trong khi vi sóng sẽ làm vỡ, thậm chí nổ chai lọ.
 
- Nho: không làm khô nho bằng lò vi sóng vì nho có thể sẽ cháy và tạo ra quả cầu khí plasma.
 
  
 
- Ớt: chất capsaicin trong ớt là hợp chất khí bay hơi và dễ bắt lửa vì thế không được làm khô ớt trong lò vi sóng.
 
Ngoài ra các thực phẩm chứa các chất thơm dễ bay hơi cũng nên hạn chế dùng lò vi sóng vì sẽ làm giảm hương thơm của thực phẩm.
 
Lò vi sóng có hiệu quả thấp khi làm nóng các thực phẩm như dầu ăn, làm tan bơ do các thực phẩm này có hàm lượng nước rất thấp mà nước lại là chất nhận năng lượng từ sóng vi ba và chuyển hoá thành nhiệt.
 
Nguyên tắc an toàn tối quan trọng khi dùng lò vi sóng
 
Cũng theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân, bạn chỉ nên sử dụng các dụng cụ chứa đựng được phép dùng cho lò vi sóng để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không dùng giấy nhôm, vật liệu bằng kim loại cho vào lò vi sóng vì chúng là nguyên nhân gây cháy nổ.
 
Không nên dùng giấy hay các loại nhựa thường để đựng thực phẩm và cho vào quay vì những vật liệu này có thể bị cháy hay biến dạng trong lò vi sóng. Đó là chưa kể thực phẩm bị thôi nhiễm các chất có hại cho sức khoẻ từ các vật chứa đựng này.
 
Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm những điều dưới đây khi sử dụng lò vi sóng:
 
- Người sử dụng cần phải đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng lò vi sóng và các khuyến cáo an toàn của nhà sản xuất.
 
- Không bật lò vi sóng khi cửa không kín, bị cong hay có dấu hiệu hư hỏng.
 
- Tuyệt đối không tự sửa chữa lò vi sóng.
 
- Không bao giờ đứng ngay phía trước lò vi sóng khi lò đang hoạt động.
 
- Không làm nóng nước và các chất lỏng quá lâu trong lò vi sóng. 
 
Theo Tuệ Linh
(Em đẹp)