Ngay trước giờ Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi mắc sởi tại khoa Nhi BV Bạch Mai, một trẻ 25 tháng tuổi đã tử vong sau hơn 1 tháng chống chọi với bệnh tật. Em ruột bệnh nhi mới được 7 tháng tuổi cũng đang trong tình trạng nguy kịch.
 
 
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh  là những nơi có điều kiện nhất nhưng dịch sởi lại bùng bát mạnh. Để có giải pháp giảm tử vong phải chỉ được nguyên nhân do đâu?
 
Theo bà Tiến, nguyên nhân đầu tiên khiến dịch sởi quay trở lại là do người dân không tiêm vắc xin phòng sởi. Nguyên nhân thứ 2 phải kể đến là do người bệnh đổ dồn lên tuyến trên, tập trung vào một vị trí dẫn đến bội nhiễm lây chéo. Nguyên nhân thứ ba là lực lượng chăm sóc không đủ. Khi quá tải thì chất lượng sẽ giảm, trẻ dễ lây chéo, nhiễm trùng bệnh viện, khiến số tử vong tại bệnh viện tuyến trên cao. Con số tử vong chỉ ghi nhận tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương (105 trường hợp), Bệnh viện Bạch Mai 8 trường hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương 1 trường hợp, còn các bệnh viện, tỉnh khác hầu như không ghi nhận.
 
Ngoài ra, do trong những tháng vừa qua, khí hậu miền Bắc ẩm liên tục khiến cho các vi rút gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ ban đầu vào viện là do viêm phổi, sau đó mới lây bệnh sởi. Khi trẻ bị bệnh hô hấp nặng, phổi đã trắng xóa lại nhiễm thêm bệnh sởi nữa, bệnh chồng bệnh nên nguy cơ tử vong rất cao.
 
Vì thế, trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Bạch Mai phải phối hợp tốt với bệnh viện Thanh Nhàn: Ngoài kê thêm giường bệnh, giãn bệnh nhân nằm ghép thì phải phối hợp để chuyển bệnh nhân nhẹ, gần khỏi về Thanh Nhàn và tiếp nhận BV nặng từ bệnh viện này chuyển lên. Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đã cử cán bộ y tế lên học để mở một phòng Hồi sức cấp cứu, kịp thời tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân sởi nặng.
 
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế có buổi làm việc nóng với UBND TP Hà Nội về tình hình dịch sởi và những diễn biến phức tạp trên địa bàn.
 
Theo Dân trí