Một nghiên cứu của Đan Mạch mới đây cho thấy, phụ nữ bị bệnh hen suyễn đang điều trị vô sinh có thể mất nhiều thời gian để thụ thai và khó thành công hơn so với người không có rối loạn hô hấp.

Các nhà nghiên cứu theo dõi 245 phụ nữ bị vô sinh không rõ nguyên nhân và đang trong quá trình điều trị để giúp họ thụ thai. Phụ nữ mắc hen suyễn mất ít nhất 4,6 năm để thụ thai, trong khi người khác chỉ mất 2,7 năm.

 

1
Ảnh: IVF.


Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa bệnh hen suyễn và điều trị vô sinh. "Chúng tôi thấy rằng bệnh hen suyễn có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản vì nó có thể làm giảm tỷ lệ sinh, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi",  tiến sĩ Elisabeth Juul Gade của Bệnh viện Đại học Bispebjerg ở Copenhagen nói.

Gade nói thêm, nghiên cứu không khẳng định hen suyễn gây ra vô sinh, nhưng kết quả cho thấy rằng những phụ nữ bị hen suyễn nên điều trị bệnh trước khi cố gắng thụ thai.  

Để khám phá mối liên hệ giữa bệnh hen và vô sinh, Gade và các đồng nghiệp khảo sát phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai ở độ tuổi 23-45. Trong đó có 96 phụ nữ bị bệnh hen suyễn và 149 người không mắc bệnh hen.

Họ nhận được một loạt các phương pháp điều trị khả năng sinh sản, bao gồm thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Họ được theo dõi trong ít nhất 12 tháng, cho đến khi mang thai thành công, kết thúc điều trị hoặc kết luận của nghiên cứu.

Ngoài thời gian thụ thai lâu hơn, phụ nữ bị bệnh hen suyễn cũng có tỷ lệ thành công thấp hơn. Khoảng 40% người phụ nữ bị hen mang thai thành công sau điều trị, trong khi 60% người không mắc bệnh suyễn đã mang thai.

"Suyễn gây viêm nhiễm ở phổi, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác và các bề mặt nhầy của cơ thể như bên trong tử cung. Cần nghiên cứu thêm để xác định xem bệnh hen suyễn có ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng, hoặc các tế bào trứng, trong giai đoạn đầu của sinh sản hay không", Gade nói.

Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Hô hấp châu Âu.
 

Theo vnexpress

.