BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Phó trưởng Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Chị N.T.T. là một trong số rất nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi đã có tổn thương nặng nề ở mặt sau quá trình dài chữa rám má không đúng phương pháp khiến làn da bị tổn thương nặng nề (có sẹo, dát tăng hoặc giảm sắc tố, da xuất hiện hiện tượng “pháo hoa”).

Trung bình mỗi tháng, Khoa Laser và săn sóc da tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân rám má đến để điều trị với nhiều lứa tuổi khác nhau (có bệnh nhân khoảng 25-30 tuổi và đặc biệt là những trường hợp sau sinh em bé, có một số bệnh nhân còn rấtt trẻ chưa lập gia đình đã xuất hiện rám má và rất nhiều bệnh nhân đã điều trị thất bại ở nơi khác…).

leftcenterrightdel
 Khuôn mặt loang lổ của bệnh nhân chữa rám má tại cơ sở không đảm bảo.

Trường hợp bệnh nhân N.T.T., ban đầu chỉ xuất hiện một vài vết nám ở 2 gò má nhưng sau đó tự ý bôi thuốc và điều trị tại một số cơ sở thẩm mỹ khiến tình trạng rám má ngày càng trầm trọng. Lâu dần, tổn thương rám má lan rộng khiến má của chị T. bị sẹo trắng loang lổ.

Bệnh nhân N.T.T. vào viện trong tình trạng vô cùng căng thẳng, stress vì vùng má bị tổn thương. Stress là điều thường gặp ở những bệnh nhân điều trị rám má ở các cơ sở bên ngoài nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Có người than phiền với chúng tôi rằng họ mất tự tin, ngại giao tiếp, có khi thất bại trong công việc...

BSCKII Nguyễn Tiến Thành cho rằng, việc điều trị ở các cơ sở thẩm mỹ bên ngoài không chỉ tốn nhiều thời gian, chi phí mà còn khiến không ít chị em mất niềm tin, ảnh hưởng tới tâm lý. Bệnh nhân tới Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương và coi đây là cơ hội cuối cùng để điều trị rám má cũng như phục hồi lại làn da của mình.

Theo BS Nguyễn Tiến Thành, rất có thể trong quá trình điều trị tại một số cơ sở thẩm mỹ, nhân viên thực hiện đã sử dụng năng lượng và công nghệ laser không phù hợp với làn da của người bệnh.

Được biết, chị T. đã tiêu tốn khoảng 500 triệu đồng để điều trị rám má ở các cơ sở thẩm mỹ.

Cách chữa rám má hiệu quả

Rám má (melasma) là một hiện tượng tăng sắc tố da thường gặp và lành tính, với biểu hiện là các sắc tố màu nâu, nâu đen hay xanh đen. Vị trí rám má thường gặp là ở vùng hở như mặt, cổ, hai cẳng tay, có tính chất đối xứng. Bệnh xuất hiện ở cả hai giới nhưng thường gặp phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Rám má có thể tồn tại hàng tháng, hàng năm, thậm chí cho đến khi mãn kinh và sau thời kỳ mãn kinh.

BS Thành khuyến cáo, liệu trình điều trị rám má cần kiên trì, thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng. Có thể là một tháng cần tái khám 1-2 lần. Chính vì thời gian điều trị kéo dài nên một số người bệnh ở xa sẽ cần cố gắng và kiên trì trong quá trình điều trị.

Thực tế, các BS đã gặp rất nhiều trường hợp biến chứng nặng vì những lần điều trị thất bại trước thì việc điều trị sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp người bệnh phải điều trị nhiều liệu trình, kết hợp nhiều công nghệ thì làn da mới phục hồi được.

Các kỹ thuật laser được đánh giá là an toàn vì kỹ thuật này chỉ tập trung điều trị tại chỗ. Công nghệ an toàn, phương pháp rất tốt nhưng quan trọng vẫn là người thực hiện. Do đó, người dân cần lựa chọn địa chỉ uy tín, cơ sở y tế có các BS được đào tạo bài bản để đạt được hiệu quả cao nhất.

 

Huân Thu