Đậu rồng còn gọi là đậu khế hay đậu xương rồng, đậu cánh, thuộc loại thân cỏ leo, sống lâu năm vì có củ to dưới đất. Hạt gần như hình cầu, có thể nặng đến 3 gram. Đây là loại cây rất dễ trồng, chỉ cần gieo hạt khô là dây leo sẽ mọc và phát triển. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Theo các kết quả phân tích của phòng thí nghiệm khoa Hóa sinh Đại học Harvard, Mỹ cho thấy trong thành phần đậu rồng có chứa trên 50 % protein trong đó gồm 18 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, 10 loại khoáng chất gồm Fe, Ca, Mg, Zn, Cu, Mn, Se, Na, K, P, nhiều vitamin A, C, vitamin nhóm B, nhiều loại đường đơn, chất xơ và một ít chất béo. Chính vì hàm lượng sắt và protein cao nên đậu rồng tuy rẻ tiền nhưng lại được tổ chức Lương nông thế giới (FAO) đưa vào danh sách những cây lương thực chống suy dinh dưỡng.
Bác sĩ Cẩm Tú, Viện pháp y Quốc gia cho biết hạt đậu rồng đã được nhiều người sử dụng từ lâu để chữa bệnh dạ dày. Đậu rồng có khả năng tái tạo cơ mềm và tăng độ nhầy ở dạ dày, chống viêm. Có 2 bài thuốc dùng hạt đậu rồng già để chữa bệnh đau dạ dày:
Bài thuốc 1: Với người bệnh còn khỏe, răng chắc thì lấy hạt đậu rồng già, rang với muối cho vàng thơm (không để cháy). Vào mỗi buổi sáng khi bụng còn đói, nhai khoảng 10-12 hạt. Chú ý nên nhai từ từ để hạt đậu được nhuyễn và trộn đều với nước bọt tránh bị nghẹn, sặc.
Bài thuốc 2: Với bệnh nhân răng đã yếu thì có thể lấy hạt đầu rồng già sao vàng với muối rồi đem xay nhuyễn. Mỗi sáng sớm lúc còn đói thì nhai 1thìa cà phê bột này, chú ý là nhai khoảng 20 lần rồi mới nuốt từ từ tránh nghẹn, sặc và để bột được đảo đều trước khi xuống dạ dày giúp nhanh có tác dụng.
Bài thuốc này nếu sử dụng kiên trì, liên tục trong khoảng 15 buổi sáng là khỏi bệnh. Tuy nhiên, với những người bị bệnh nặng thì cần dùng trong thời gian lâu hơn.
Một số bài thuốc khác từ đậu rồng:
- Chống suy dinh dưỡng cho người ăn chay trường: Đậu rồng 200g, tước bỏ xơ, cắt khúc xào sơ dùng trong bữa ăn thay rau.
- Hỗ trợ tiêu hóa và thiếu máu: Dùng đậu rồng kèm các loại rau khác trong bữa ăn hằng ngày.
Tuy nhiên, do thuộc loại cây họ Đậu, đậu rồng có chứa purin nên không thích hợp với những người bị bệnh gout (thống phong), hay những người có cơ địa dị ứng với các loại đậu. Những phụ nữ bị bệnh đau nửa đầu (migraine), cũng nên tránh ăn vì đậu rồng có thể là nguyên nhân làm tái phát cơn đau đầu.
Theo NTD