Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, khi người tiêu dùng có yêu cầu cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm sữa, doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố trung thực.



“Cơn bão” Melamine qua đi, việc minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm vẫn chưa được các nhà sản xuất chú trọng. Những nhãn sữa liên quan đến Melamine sau khi công bố thu hồi, tiêu hủy, không nhập nguyên liệu từ công ty Trung Quốc dính “scandal” đã ra sản phẩm mới và tiếp tục kinh doanh. Vẫn không nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề nguồn gốc của những sản phẩm mới này.

Trở lại thực trạng phần lớn người Việt khi mua sữa bột mù mờ thông tin và không dám khẳng định mình biết rõ sản phẩm hiện nay, Bác sĩ Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, nguyên nhân do người tiêu dùng có quá ít thông tin, hoặc những thông tin mà họ tiếp cận được lại na ná giống nhau, được đưa ra từ một phía là sản xuất.

“Nguồn gốc sản phẩm sữa không chỉ là tên gọi, hãng sữa, xuất xứ hay công nghệ sản xuất mà cụ thể hơn là những thông tin chi tiết về sản phẩm sữa ví dụ như nguồn gốc sữa, công thức pha trộn, công nghệ chế biến…”, BS Hào cho biết.

Nhận định về thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang – nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, tại thị trường sữa bột trong nước, phần lớn nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu, sữa sản xuất trong nước không đủ và chủ yếu dùng để sản xuất sữa chua, sữa tươi.

Do nguồn nguyên liệu sản xuất sữa bột chủ yếu nhập khẩu về sau đó được pha trộn nên có 5 yếu tố ảnh hưởng chất lượng sữa: Thứ nhất, công nghệ chăn nuôi bò tại vùng nguyên liệu sữa trong đó kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc sức khỏe cho bò… Thứ hai, chất lượng nguồn thức ăn, thức ăn đúng tiêu chuẩn sữa sẽ tốt hơn. Nếu thức ăn có tồn dư chất không tốt chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn sữa.

Thứ ba nước uống, bò sữa uống nguồn nước sạch, đảm bảo sẽ cho chất lượng sữa tốt hơn. Thứ tư là giống bò và cuối cùng là công thức pha trộn của doanh nghiệp sữa.

Do có nhiều yếu tố tác động chất lượng sữa, vì vậy theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang để đảm bảo chất lượng nguồn sữa bột mình lựa chọn, người tiêu dùng phải được biết tất cả các thông tin trên.

Ví dụ với sản phẩm sữa bột, người tiêu dùng phải được biết nguồn gốc sữa đó từ đâu, xuất xứ nước nào, nuôi theo công nghệ nào, công nghệ pha trộn sữa ra sao... Chưa nói đến thông tin đó nhà sản xuất đưa ra chính xác bao nhiêu nhưng người tiêu dùng có quyền được biết và nên biết trước khi lựa chọn sữa.

Đứng góc độ doanh nghiệp sữa, theo ông Vang khi người tiêu dùng có yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết sản phẩm sữa, doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố trung thực.

 

Theo GDVN

.