40 ngư dân ở Cà Mau rủ nhau tăng “bản lĩnh đàn ông” bằng cách tự tiêm silicon mua của Thái Lan với giá 300 nghìn đồng/người vào “của quý”. Chỉ vài ngày sau, “bản lĩnh đàn ông” đâu không thấy chỉ thấy nhiều người trong số này phải đi cấp cứu bệnh viện vì: khu vực tiêm silicon bị sưng tấy, biến dạng, thậm chí có dấu hiệu hoại tử.
 


Tương tự, một nam bệnh nhân, 35 tuổi ở Hà Nội phải vào một bệnh viện để cấp cứu chỉ vì cơ quan duy trì giống nòi của anh bị rách da đến nỗi máu chảy thành dòng. Câu chuyện tưởng đùa nhưng có thật là nghe bạn bè “tư vấn”, muốn hưởng thụ cái cảm giác “đỉnh” của đàn ông thì cấy viên bi vào cơ quan hình trụ hoặc là lẻ một, hai viên để miễn tạo được sự gồ ghề ở đó. Thế là nghe bạn, anh này hăm hở cấy hai viên bi dưới da. Sau đó, là 3-4 viên… Đến lúc các viên bi đủ tạo thành một vòng bi tròn khép kín thì anh không cấy nữa. Gọi là bi nhưng thực ra nó không phải hình tròn mà chỉ là những viên bi ve được mài thành hình trụ có chiều dài khoảng 1cm rồi cấy dưới da theo chiều dọc. Khi bị cọ xát nhiều lần, cạnh của các viên bi đã cứa rách da và làm lộ cả bi ra ngoài. Vì điều này anh đã phải đến cơ sở y tế để điều trị.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động, Hà Nội, người đã điều trị cho bệnh nhân kể: Mặc dù đã mài nhưng do không kỹ nên viên bi vẫn có cạnh sắc, làm cho quá trình cọ xát giống như quá trình cắt cứa dẫn đến rách da, chảy máu ròng ròng. “Rất may cạnh sắc của viên bi đó đã không cứa đứt hết lớp da của bệnh nhân rồi đến vợ anh ta. Vì theo thông thường nếu cạnh sắc đã lộ ra ngoài chẳng khác gì lưỡi dao sẽ cứa hết lớp này đến lớp khi nó gặp phải. Và trong trường hợp đó nếu vợ bệnh nhân cũng bị rách ở phía trong cơ quan sinh sản thì rất phức tạp cho việc chữa trị”. Tuy nhiên, điều kỳ cục hơn là bệnh nhân không muốn lấy bi ra mà chỉ muốn khâu chỗ bị rách. Và hậu quả là chỉ sau vài ngày khâu lại như vậy thì bệnh nhân phải phẫu thuật lấy hết bi do nguy cơ bị nhiễm trùng.

Không chỉ nam giới mà ngay cả phụ nữ, những người tưởng như biết giữ gìn, cẩn trọng với việc chăm sóc dung nhan cũng có những chăm chút bản thân rất phản khoa học. Ấy là trường hợp của nữ bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh. Đã ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng vì muốn níu kéo nhan sắc nên bệnh nhân này đã tiêm silicon lỏng của một người làm thẩm mỹ dạo khắp cơ thể gồm: 2 bầu ngực, gò má, vùng thái dương, cổ tay, bàn tay, bàn chân. Chưa “tận hưởng” được cái đẹp ấy bao lâu thì bà có biểu hiện của nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng như: sốt cao, lơ mơ, vã mồ hôi, da tái xanh và thuyên tắc phổi… Cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ở đây nhận định: silicon bơm trực tiếp vào cơ thể đã làm cho cơ quan nội tạng của bệnh nhân này như phổi, hệ thống hô hấp bị tổn thương, máu bị nhiễm trùng… Đặc biệt, việc bị thuyên tắc phổi đã làm bệnh nhân tử vong, không thể cứu sống được.

Phải biết để sống

Thực sự đây là những cái chết, tổn thương lãng xẹt. Bởi những nguyên nhân dẫn đến những tai biến đó có thể kiểm soát được trong tầm tay, ngay cả ở những người “ngoại đạo” ngành y. Vậy mà chỉ vì chủ quan, vì cách nghĩ đơn giản, họ đã đánh đổi hoặc mất đi mạng sống của mình.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung giải thích: “Với quan niệm đơn giản rằng việc nâng cao chất lượng cuộc sống chỉ bằng “trang trí” cho những cơ quan khẳng định giới tính (đối với nam giới) hay nhạy cảm (đối với nữ giới) như đeo nhẫn, khuyên, cấy bi dưới da… giống hai trường hợp nam bệnh nhân kể trên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng. Nhưng thực tế không phải vậy bởi mỗi bộ phận trên cơ thể đều chịu tác động, cho dù đó là tác động bên ngoài. Bạn chỉ cần phân tích như này sẽ thấy ngay, việc đeo một cái gì quá chặt như nhẫn, vòng, dây chun… vào tay, chân… đều có thể làm máu không lưu thông và gây thâm tím chỗ đeo đó, thậm chí dẫn đến hoại tử. Mà tay, chân là những nơi coi như “cố định” về kích cỡ (ngoại trừ tăng hoặc giảm trọng lượng thì nó mới thay đổi) còn bị như vậy huống hồ đối với cơ quan thay đổi về đường kính, chiều dài (do sự kích thích) như cơ quan sinh sản nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào khi ta thít chặt nó bằng một chiếc vòng, nhẫn. Còn việc cấy dưới da bất cứ đồ vật gì đều được coi là tiểu phẫu. Mà đã là tiểu phẫu phải do nhân viên y tế thực hiện tại cơ sở y tế và chất lượng của vật thể đưa vào cơ thể đều phải có kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng.

“Các bạn tự ý làm vậy nghĩa là các bạn chủ động làm hại các bạn”, bác sĩ Dung khẳng định.

Đối với việc tự bơm silicon vào người, bác sĩ Dung phân tích: Silicon là hóa chất lỏng không định hình nên khi tiêm vào người nó sẽ phân tán đi khắp các mô trong cơ thể. Theo phản ứng bình thường thì khi có chất lạ xâm nhập, cơ thể sẽ có những phản ứng bằng cách là tế bào bạch cầu và miễn dịch sẽ tìm đến bao vây chất lạ và gây viêm. Từ phản ứng viêm đó sẽ dẫn đến nhiễm trùng và các tai biến khác. Do đó, tuyệt đối không được bơm trực tiếp silicon vào người.
 

Theo Năng lượng mới

.